Ngày 14-12, tin từ Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết, liên quan đến bài viết 6 lò đốt rác thải y tế ở Bình Thuận “đắp chiếu” 5 năm mà Pháp luật TPHCM đã phản ảnh, Sở Y tế tỉnh đã có văn bản trả lời cho HĐND tỉnh.
Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Bình Thuận, một trong 6 bệnh viện được đầu tư lò đốt rác thải y tế
Các lò đốt rác thải y tế được đầu tư cho các bệnh viện: TP. Phan Thiết; Bệnh viện lao và bệnh phổi; Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận; Bệnh viện Hàm Thuận Bắc; Bệnh viện Hàm Tân và Bệnh viện Thị xã La Gi từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Theo Sở Y tế Bình Thuận, sáu lò đốt nói trên do các đơn vị ở Trung ương ký hợp đồng mua vào đầu tháng 12 năm 2012 với chiều cao ống khói 8m. Tuy nhiên đến ngày 28-12-2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế, trong đó quy định: Ống khói của lò đốt chất thải rắn y tế phải đảm bảo chiều cao ống khói và được tính toán phù hợp, đảm bảo yêu cầu về chất lượng không khí xung quanh khi phát tán vào môi trường không khí, nhưng không được thấp hơn 20 mét tính từ mặt đất. Do đó cả 6 lò này không thể hoạt động được.
Ngày 13-3-2014, UBND tỉnh ban hành Công văn giao Sở Y tế tập hợp các hồ sơ liên quan để chứng minh dự án đã được phê duyệt trước khi có quy định về chiều cao ống khói lò đốt gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để có ý kiến thống nhất việc lắp đặt 06 lò đốt. Đến ngày 23-12-2014, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để nghiên cứu, để xuất UBND tỉnh giải quyết việc đầu tư kinh phí nâng cấp chiều cao ống khói và kinh phí sử dụng để vận hành các lò đốt sao cho hiệu quả, thiết thực.
Để thực hiện việc nâng chiều cao ống khói lò đốt rác cho phù hợp với quy định, Sở Y tế đã ký hợp đồng tiến hành lập thiết kế kỹ thuật - dự toán nâng cấp chiều cao ống khói của 6 lò đốt rác thải y tế nói trên.
Đối với việc phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải cho 6 lò đốt rác thải y tế là để đảm bảo các yêu cầu của tiêu chuẩn khí thải ra môi trường. Theo Sở Y tế Bình Thuận, khi nhận các lò đốt rác thải y tế về thì các hệ thống máy này đều không có hệ thống xử lý khí thải kèm theo. Trong khi đó, kết quả phân tích nồng độ khí thải lò đốt chất thải rắn y tế cho thấy khí thải đầu ra có các chỉ tiêu, nhiệt độ khói thải vượt quy chuẩn giá trị tối đa cho phép.
Do đó, để khắc phục việc vượt quá các chỉ tiêu nói trên, ngoài việc nâng cấp chiều cao ống khói để đạt chiều cao theo quy định, thì cần phải thiết kế lắp đặt hệ thống xử lý khí thải lò đốt rác thải bằng tháp hấp thụ trước khi thải ra ngoài môi trường bằng ống khói.
Một kỹ sư chuyên chế tạo các lò đốt rác thải cho rằng, việc hệ thống lò đốt rác thải y tế lại không có hệ thống xử lý khí thải đi kèm là điều khá băn khoăn và khó hiểu. “Đặc biệt với việc phải bỏ ra thêm hơn 5 tỷ đồng để khắc phục chiều cao ống khói và hệ thống xử lý khí thải đã gần bằng hoặc tương đương số tiền đầu tư để mua mới các lò đốt rác thải rắn y tế” - vị kỹ sư này cho biết.