Sự kiện này có thể chấm dứt chiến tranh nhưng cũng có thể khiến máu phải đổ nhiều hơn.
Giáo sư Mark Galeotti *của Đại học New York nhận định như trên trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 18-7.
Các chiến binh nổi dậy là người địa phương, song phần còn lại của cuộc chiến hoàn toàn mang dấu ấn Nga. Moscow trang bị vũ khí, hỗ trợ, khuyến khích quân nổi dậy và duy trì một chính quyền tự xưng ở đây.
Igor Strelkov - chỉ huy lực lượng dân quân ly khai, là một sĩ quan tình báo Nga. Dù điện Kremlin luôn nói xung đột ở miền Đông Ukraine là vấn đề nội bộ, nhưng sau sự kiện MH17 , Nga sẽ không thể tiếp tục giả vờ được nữa.
Nguồn gốc vũ khí hoàn toàn có thể truy vết
Tổng thống Nga Putin đang đứng trước sự chỉ trích từ nhiều phía sau thảm họa MH17
Sau khi Slavyansk thất thủ, quân ly khai phát động cuộc tấn công tên lửa nhằm vào quân đội Ukraine. Tình báo Mỹ cáo buộc quân nổi dậy nhận được các khí tài chiến tranh hạng nặng từ bên kia biên giới. Trong đó có pháo binh, xe bọc thép và tất nhiên là cả tên lửa BUK, đang bị cho là vũ khí bắn rơi MH17.
Mặc dù quân nổi dậy phủ nhận hoàn toàn nhưng một số hình ảnh trên twitter của họ cho thấy có ít nhất một giàn phóng tên lửa BUK trong kho vũ khí của họ. Chúng có thể được đánh cắp từ quân đội Ukraine hoặc nhận trực tiếp từ Nga. Thực tế là nếu không có sự hỗ trợ từ Nga, kể cả kỹ thuật, phiến quân sẽ không thể có được một địa điểm an toàn để khai hỏa. Phát bắn đó đã định nghĩa lại cuộc chiến kéo dài 6 tháng này.
Bước ngoặt cho cả hai bên
GS Galeotti cho rằng khi bản chất của cuộc chiến vẫn còn là giữa những người Ukraine với nhau (kể cả có sự hậu thuẫn của Nga), nó chỉ tạo ra các “mối quan tâm nghiêm trọng” và sự mở rộng các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này có thể gây khó khăn cho Kremlin, nhưng ông Putin vẫn tin chắc rằng phương Tây thiếu sức chịu đựng và khả năng kéo dài áp ực kinh tế.
Phiến quân ly khai canh giữ hiện trường máy bay bị bắn rơi
Sự kiện MH17 bị bắn hạ đã cho thấy những rủi ro kinh hoàng trong tương lai nếu cuộc xung đột vẫn cứ tiếp diễn. Bên cạnh đó, phe diều hâu ở phương Tây cũng có lý do để đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn.
Các bằng chứng ban đầu cho thấy MH17 có thể đã bị bắn rơi bởi một đơn vị Cossack. Lực lượng phiến quân thực chất được tổ chức lỏng lẻo và vô kỷ luật. Họ có thể là những tên côn đồ địa phương, quân chính phủ đào ngũ và cả những lính tình nguyện Nga. Rất khó có khả năng quân ly khai trừng phạt những kẻ bắn tên lửa, ngay cả khi họ có thể làm điều đó.
Áp lực chính trị đang đè nặng lên Moscow. Bối cảnh cuộc chiến có thể thay đổi do 2 tác nhân chính.
Đầu tiên, quyết tâm đè bẹp các lực lượng ly khai của Kiev sẽ tăng gấp đôi cùng với sự hậu thuẫn ngày càng nhiều của phương Tây.
Tiếp theo, phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội cung cấp vũ khí, chuyên viên quân sự, thậm chí lực lượng đặc biệt để sớm chấm dứt cuộc chiến. Về phần Putin, điều có nghĩa là sẽ mất tất cả.
Hiện tại, cánh cửa vẫn để mở nếu như Moscow thay đổi quan điểm của họ.
Trong khi đó, Moscow đang cho thấy sự hạn chế của mình trong việc kiểm soát lực lượng ly khai. Strelkov đang có những biểu hiện ngoan cố. Ngay cả khi Strelkov nhượng bộ, quân ly khai cũng không sẵn sàng ngừng bắn khi không chắc chắn Kiev sẽ ân xá.
Cuộc đối đầu giữa Nga - Mỹ và các nước EU sẽ buộc phải chuyển sang một trạng thái khác
GS Galeotti đặt giả thuyết Nga sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ cho quân ly khai để sớm chấm dứt cuộc chiến. Nhưng để lật ngược ưu thế trên chiến trường cần nhiều hơn thế. Khó có thể tin là ông Putin sẵn sàng đánh đổi các lợi ích quốc gia mình cho việc này. Người Nga vui mừng với việc đoàn tụ Crimea mà không phải đổ máu, nhưng một cuộc chiến tranh đẫm máu ở miền Đông Ukraine sẽ hoàn toàn khác. Kết quả thăm dò cho thấy 73% dân Nga phản đối can thiệp quân sự.
Nga sẽ chấm dứt hậu thuẫn cho phiến quân
GS Galeotti kết luận gần như chắc chắn điện Kremlin sẽ rút chân khỏi cuộc chiến. Ông Putin sẽ phải đóng cửa biên giời, chấm dứt việc cung cấp vũ khí nếu không muốn phương Tây xem mình là thủ phạm gián tiếp bắn hạ MH17. Trong trường hợp này, lực lượng chính phủ sẽ tràn đầy cơ hội giành chiến thắng nhanh chóng.
Nhưng nếu chiến tranh kết thúc sớm, nó sẽ là một kết thúc đẫm máu. Lực lượng ly khai đã ở thế chân tường, hầu hết binh lính không được rút lui vào Nga hay tị nạn chính trị. Pháo binh Kiev dễ dàng đánh sập Slavyansk, điều đó cũng sẽ xảy ra với các thành lũy cuối cùng của quân ly khai là Lugansk và Donetsk.
Thi thể các nạn nhân xấu số đang được các tổ chức nhân đạo quốc tế thu gom
Dù sao đi nữa, đây là một bất lợi cho Moscow. Ông Putin đang đóng khung mình như một người bảo hộ của dân Nga trên toàn thế giới, là ông chủ của lục địa Á-Âu hậu Xô Viết. Sau xung đột Ukraine, hình ảnh của ông đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Bi kịch của chuyến bay MH17 đã định hình lại bối cảnh chính trị trong cuộc xung đột Ukraine. Nó cũng là một thách thức bất ngờ và không mong muốn đối với ông Putin.
NGỌC ÂN
*Mark Galeotti là Giáo sư giảng dạy các vấn đề toàn cầu tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học New York