Ngày 8-8, ông Nguyễn Văn Điền- Giám đốc Ban QLDA các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết đang khắc phục tiếp sự cố sạt lở đường nông thôn và đê bao dọc sông Ba Lai do quá trình đơn vị thi công tháo dỡ đập tạm ngăn mặn gây ra.
Theo ông Điền, Công trình đập tạm ngăn mặn trên thượng nguồn sông Ba Lai tại xã Tân Phú và xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre được triển khai để nhằm ứng phó với xâm nhập mặn năm 2019-202 và do Ban QLDA các công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng Ngọc Á Châu (trụ sở tại Quận 10, TP.HCM).
Tháo dỡ đập tạm thượng nguồn sông Ba Lai làm sạt lở đường giao thông. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đập tạm chặn dòng Ba Lai được hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu tháng 3-2020 nhằm ngăn mặn từ các nhánh sông vào sông Ba Lai tạo túi nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân huyện Châu Thành, TP Bến Tre trong mùa hạn mặn.
Từ ngày 7-5 đến ngày 11-5, kết thúc đợt hạn mặn đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng Ngọc Á Châu đã tiến hành tháo dỡ công trình đập tạm nhằm khơi thông dòng chảy trên sông Ba Lai.
Tuy nhiên trong quá trình tháo dỡ khung cừ tại đập tạm tại thượng nguồn sông Ba Lai đã làm 50m đường nông thôn mới (rộng 3,5m) đồng thời là đê bao thuộc ấp Phú Long (xã Phú Đức) bị sạt lở hoàn toàn, thiệt hại một ống cống bằng bê tông cốt thép do người dân đầu tư và một số cây ăn trái.
Phía bờ xã Tân Phú bị sạt lở khoảng 170 m2 đất của một hộ dân xuống sông gồm: 100m bờ bao và còn lại làm thiệt hại nhiều diện tích đất và cây ăn trái của người dân.
Hiện trường vụ sạt lở đường giao thông. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đơn vị thi công là công ty Ngọc Á Châu khắc phục sự cố sạt lở do thi công tháo đập tạm. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Qua khảo sát Ban QLDA Các công trình NN&PTNT tỉnh đánh giá, khu vực đập tạm thượng nguồn sông Ba Lai có nền đất yếu, đất phù sa pha lẫn cát dễ bị sạt lở… Ngoài các yếu tố khách quan trên, tác động trong quá trình thi công xây dựng và tháo dỡ đập tạm có ảnh hưởng đến tốc độ và mức độ sạt lở tại khu vực.
Ông Trương Văn Vẹn - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức cho biết, sự cố sạt lở hai bờ sông Ba Lai xảy ra ngay sau khi đơn vị thi công tháo dỡ đập tạm ngăn mặn trên sông làm tắt đường giao thông. Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền xã đã báo với ngành chức năng của huyện, Ban QLDA để tiến hành khắc phục.
“Hiện đơn vị thi công đã huy động phương tiện máy móc đóng cừ, đắp bao tải cát gia cố phần đất của người dân bị sạt lở bên bờ xã Tân Phú. Đồng thời đóng cừ lá sen, bơm cát lên đoạn lộ bị sụp phía bờ xã Phú Đức. Đến nay người dân có thể lưu thông tạm qua khu vực, tuy nhiên việc lưu thông qua đây vẫn còn khó khăn do chưa hoàn chỉnh việc khắc phục sạt lở”- Ông Vẹn nói.
Sạt lở bờ sông Ba Lai do tháo đập tạm phía bờ xã Tân Phú. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Theo ông Nguyễn Văn Điền- Giám đốc Ban QLDA các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố vụ việc sạt lở cơ bản đã được khắc phục. Tuy nhiên trong quá trình thi công gia cố lại tiếp tục phát sinh sự cố sạt lở nền đất yếu.
Theo ông Điền, đơn vị thi công đang tiếp tục khắc phục và để đảm bảo chất lượng bờ bao thì không thể thi công nhanh do vừa thực hiện các giải pháp theo phương án vừa theo dõi, xử lý các phát sinh dẫn đến thời gian hoàn thành kéo dài hơn so với cam kết trước đó.
Tháng 3-2020, để ngăn mặn trữ ngọt tỉnh Bến Tre đã có chủ trương chi khoảng 20 tỉ đồng đắp 3 đập tạm ngăn mặn trên dòng sông Ba Lai nhằm tạo túi nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở TP.Bến Tre và huyện Châu Thành.
Tuy nhiên, thời điểm công trình được thi công khép kín nước mặn đã xâm nhập vào sông Ba Lai, nước bên trong đập tạm vẫn bị nhiễm mặn ở mức cao. Người dân cho rằng công trình đập tạm với kinh phí quá lớn nhưng không phát huy được hiệu quả trữ ngọt trong mùa hạn mặn.