Thường trực Chính phủ nêu các yêu cầu khi thay thế Nghị quyết 54

(PLO)- Thường trực Chính phủ yêu cầu nội dung Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 mới phải giải quyết những vấn đề lớn, vướng mắc, tồn tại, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt tạo động lực mới cho TP.HCM phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về đề án xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP.HCM về đề án xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP.HCM về đề án xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Ảnh: NHẬT BẮC

Tại cuộc họp diễn ra ngày 27-2 vừa qua, Thường trực Chính phủ đánh giá cao TP.HCM và Bộ KH-ĐT đã tích cực, có trách nhiệm, nghiêm túc triển khai nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng quy trình xây dựng văn bản QPPL; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của TP.HCM

Tờ trình Bộ KH-ĐT trình bày tại cuộc họp về tình hình triển khai xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thống nhất cao; đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Thường trực Chính phủ “cơ bản đồng tình với các đề xuất của TP.HCM và các Bộ, cơ quan đã góp ý”.

Liên quan đến việc triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Thường trực Chính phủ yêu cầu tập trung trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, súc tích, khả thi, hiệu quả.

Nội dung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam Bộ và phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tư duy mạch lạc, rõ ràng; thể hiện tính đột phá, đổi mới, dám nghĩ dám làm, giải quyết những vấn đề lớn, vướng mắc, tồn tại, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt tạo động lực mới cho TP.HCM phát triển, giữ vị trí đầu tàu dẫn dắt cả nước trong đổi mới, năng động, sáng tạo về phát triển kinh tế - xã hội.

“Các cơ chế, chính sách cần bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của TP.HCM mà pháp luật hiện hành chưa quy định, có quy định nhưng không phù hợp thực tiễn hoặc chưa phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh trong huy động các nguồn lực cho phát triển của Thành phố”- thông báo nêu rõ nêu rõ.

Cạnh đó, Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu phát huy nguồn lực về tài chính; tập trung vào những đột phá và mở rộng thực hiện, đầu tư trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là tăng cường phân cấp, phân quyền hơn cho TP.HCM, gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi.

Thường trực Chính phủ đề nghị có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các ngành lĩnh vực mới; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; chống biến đổi khí hậu. Đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng thông qua các chế độ, chính sách thỏa đáng, tương xứng, có tính khuyến khích.

Bảo đảm hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2023

Thường trực Chính phủ thống nhất chủ trương cho TP.HCM thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá về phát triển TOD, thu hút nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; áp dụng hợp đồng BOT đối với một số đường hiện hữu, áp dụng hợp đồng BT cho lĩnh vực, chính sách đặc thù phát triển Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, triển khai đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế ...

Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định dự thảo Nghị quyết theo quy định; phối hợp với Bộ KH-ĐT hoàn thiện Hồ sơ theo quy định, bảo đảm Hồ sơ trình Ủy ban

Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5 này, đáp ứng các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, cơ chế, chính sách hợp hiến, hợp pháp, đúng thẩm quyền.

Các Bộ, cơ quan tiếp tục khẩn trương chủ động phối hợp với Bộ KH-ĐT, UBND TP.HCM xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, trọng tâm, trọng điểm giải quyết các điểm nghẽn tạo không gian phát triển mới cho Thành phố theo đúng định hướng của Bộ Chính trị. Ý kiến tham gia cần cụ thể, đúng thời hạn theo đề nghị và bảo đảm ngôn ngữ quy phạm pháp luật, tránh chung chung.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục dành thời gian chỉ đạo quá trình triển khai xây dựng Đề án, trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm