Ngày 27-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP.HCM về nội dung đề án xây dựng nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Xây dựng cơ chế, chính sách trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xây dựng dự thảo nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp; bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP |
Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan và TP.HCM tiếp tục rà soát nội dung dự thảo để xây dựng các cơ chế, chính sách cho TP theo hướng đặc thù, thông thoáng, vượt trội nhưng có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước.
Đồng thời xác định rõ thẩm quyền của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện trên thực tế, tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Để TP.HCM có sự phát triển đột phá, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đề ra một số chính sách cơ bản, gồm:
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP.HCM.
- Thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển.
- Cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ Fintech.
- Thúc đẩy xã hội hóa để thu hút đầu tư trong y tế, giáo dục, văn hóa…
- Cho cơ chế cần thiết để xử lý các dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục.
- Sơ kết mô hình chính quyền đô thị để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy của TP…
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần là tháo gỡ các nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực, thẩm quyền, tổ chức thực hiện. Cạnh đó, tạo đột phá về hợp tác công tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội không chỉ cho phát triển hạ tầng mà còn các lĩnh vực khác.
Thủ tướng cũng lưu ý việc thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho TP đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, giáo dục - đào tạo và thu hút nguồn nhân lực...
Theo Thủ tướng, cần có quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tư duy đột phá hơn, bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
“Với các vấn đề mới, khó, có vướng mắc, những nội dung nhạy cảm, phức tạp cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm được “đầu ra”, cách xử lý, giải quyết phù hợp trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát kịp thời, hiệu quả chứ không phải thấy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì không làm hoặc dừng lại.
Tạo động lực mới cho TP.HCM phát triển
Thủ tướng cho rằng việc xây dựng cơ chế, chính sách không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thách thức mà còn phải thúc đẩy, tạo động lực phát triển mới cho TP, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Các cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho TP phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Ông yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan tiếp thu các ý kiến của Thường trực Chính phủ và các góp ý tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Các bộ trưởng trực tiếp phối hợp, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, triển khai các công việc tiếp theo theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng, báo cáo Chính phủ xem xét để trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV (tháng 5-2023).
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cám ơn sự vào cuộc nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan liên quan trong triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội. Theo ông Nên, việc xây dựng các cơ chế, chính sách cho TP cũng là vì cả vùng và cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “TP vì cả nước và cả nước vì TP”.
Kiến nghị nhiều cơ chế cho TP Thủ Đức
Vừa qua, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54.
Trong đó, UBND TP kiến nghị đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 bảy nhóm vấn đề gồm quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa, xã hội và quản lý trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức.
Liên quan đến TP Thủ Đức, UBND TP cho hay hiện TP Thủ Đức cơ bản như đơn vị hành chính cấp quận, do vậy TP kiến nghị cho phép HĐND, UBND TP phân cấp cho chính quyền TP Thủ Đức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền ở một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở, ngành TP cho TP Thủ Đức; cho phép HĐND TP quyết định bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp của TP Thủ Đức và ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP Thủ Đức để chi đầu tư phát triển.