Mấy ngày qua ông Nguyễn Ngọc Minh, bác xe ôm trước cổng BV Nhi đồng, nhận được sự quan tâm của rất nhiều người sau khi bài báo “Cuộc đời buồn của bác xe ôm” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCMngày 10-4 và được nhiều trang mạng xã hội tiếp sức lan tỏa.
Những ngày đồng hành cùng ông, tôi thật sự xúc động vì tấm lòng của những xe ôm đồng nghiệp. Họ không chỉ nhường sân cho ông (ông không còn thuộc nghiệp đoàn xe ôm kể từ khi nghỉ bệnh nên chỉ đứng ké "sân bãi") mà họ sẵn lòng bắt khách, nhường khách cho ông.
Thật bất ngờ, trong số những đồng nghiệp san sẻ cho ông Minh có cả một bác tài từng bị tai biến, nay đã hồi phục. Anh Tuyển, một người chạy xe ôm, than: “Nghề xe ôm giờ khó kiếm khách lắm. Tụi tui còn khổ nói chi ổng” nhưng chính anh Tuyển lại là người kêu gọi bạn bè hùn tiền mua tặng ông Minh một ít trái cây, quà bánh dịp Tết vừa qua. Anh nói: “Thương ổng tủi thân, thui thủi một mình, không có gì ăn Tết…”.
Khi nhiều người tìm đến thăm, tặng quà cho ông Minh, các anh, các chú đồng nghiệp của ông vui vẻ nhường chỗ để khách đứng nói chuyện. Có một anh còn lo ông về đường xa gặp kẻ xấu nên đưa ông về tận nhà rồi mới quay lại bệnh viện.
Thú vị là một nhóm bạn trẻ chạy xe ôm Grab cũng đã hẹn nhau đến thăm ông và tặng ít quà cho ông Minh để bày tỏ sự tương thân với đồng nghiệp "xe ôm truyền thống". Ông Minh không nói được gì, chỉ gật gật cười cười, mắt ươn ướt.
Hào hiệp không kém là chị bán nước và những người bán hàng rong khác ở cổng bệnh viện. Họ giúp ông mua đồ ăn rẻ, "tài trợ" nước miễn phí cho ông Minh bấy lâu. Họ cũng nghèo, “mình nghèo nhưng mình có sức khỏe. Ổng không có gì hết”.
Có lẽ vì những nghĩa tình ấy mà trong những ngày ốm đau tuyệt vọng, ông Minh vẫn lặn lội chạy ra đây đợi khách. Dù có khách hay không, ông vẫn có một nơi để thuộc về...
Trong số những người gọi điện thoại đến ông Minh, có những người chẳng khá giả gì, thậm chí chạy ăn từng bữa toát mồ hôi. Có người không có tiền để biếu ông nhưng họ giới thiệu ông chỗ chữa bệnh miễn phí, tình nguyện làm người đưa đón ông đi chữa bệnh.
Ông Minh đâu hề trơ trợi. Người dưng tốt bụng ở đất Sài Gòn đã san sẻ, ghé vai gánh vác bớt những khó khăn cho những người sa cơ như ông.
Trước đó đúng một tháng, “Gia đình 17 người nghèo xơ xác bên dòng kênh đen” của bà Trần Thị Dung đã nhận được sự tiếp sức mạnh mẽ từ cộng đồng. PV đã nhận được nhiều cuộc gọi nhờ dẫn đến tận nhà bà Dung. Nhà khó tìm bởi nó nằm vòng vèo lút sâu trong đất dự án, bên dòng kênh đen xơ xác. Nhiều bạn đọc tìm đến đã không cầm lòng được khi thấy bọn trẻ tắm táp trong dòng kênh ô nhiễm. Họ, trong đó có cả những người còn nghèo khó, người góp gạo, người góp cá khô để bọn trẻ lít nhít được no bụng, gom quần áo, đồ chơi cho tụi nhỏ. Rồi họ gom góp tiền cho gia đình bà Dung có nơi ở trọ tươm tất hơn.
17 con người trong gia đình bà Dung đã được chuyển về nhà mới, có nước sạch tắm mát. Những đứa trẻ đã được ngủ ngon bên những bao gạo người dưng hào hiệp mang đến tặng.
Chỉ mong sao khi bọn trẻ lớn lên, đương đầu với khó khăn, hãy sống vững vàng và tốt bụng để đáp trả những tấm lòng những người tốt đã gửi gắm cưu mang.
Tôi là dân tỉnh lẻ, theo nghề báo và chọn Sài Gòn làm nơi gắn bó. Chuyện về Sài Gòn tử tế, đã có nhiều bài viết, nhiều bày tỏ lắm rồi, vậy mà nói mãi vẫn không hết chuyện.
Mảnh đất này lúc nào cũng ấm áp tình người, tôi thích Sài Gòn quá rồi! Làm sao không yêu Sài Gòn cho được?