Sáng 23-9, đoàn công tác của Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng Đảng tại TP.HCM từ sau Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành trung ương.
Về phía TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Ủy viên dự khuyết Trung ương, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cùng các lãnh đạo khác trong Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP....
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương Đảng thăm và làm việc tại TP.HCM. Ảnh: Báo SGGP |
Thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TP từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Ông Phan Văn Mãi cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM rất vinh dự và vui mừng được đón Tổng Bí thư và đoàn công tác vào làm việc với TP.
Theo ông Mãi, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TP đã xây dựng 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, với chín nhóm giải pháp trọng tâm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP |
Trong đó, Thành ủy đã chủ động ban hành Nghị quyết cho giai đoạn phục hồi ngay khi TP cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai bốn chương trình phát triển TP với 51 nội dung đề án, chương trình thành phần mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP đề ra. Đồng thời, triển khai các nghị quyết trung ương, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP |
TP sẽ tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM năm 2020 và năm năm thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Từ đó, đề xuất cơ chế đột phá phát triển, phát huy vị trí, vai trò của TP, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và chuẩn bị xúc tiến triển khai thực hiện và hoàn thành những công trình, dự án có ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (năm 2025).
Ban Chấp hành Đảng bộ TP cũng sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ; hoàn chỉnh công tác quy hoạch gắn với đào tạo, luân chuyển đội ngũ chuẩn bị cho nhiệm kỳ XII của Đảng bộ TP. Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc giải quyết tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng đối với các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn TP.
TP.HCM cũng tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát, thích ứng linh hoạt đối với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến tình hình.
Ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trọng tâm là định hướng chiến lược, chủ trương và cơ chế để TP phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và phát triển.
TP.HCM cũng mong Trung ương tiếp tục chọn TP là nơi thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của nhà nước không còn phù hợp. Mở rộng việc phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP.
Đồng thời, hoàn thiện về thể chế cho TP Thủ Đức phù hợp với quy mô và vai trò theo mô hình TP trong TP. Có chính sách tương xứng để phát huy tiềm năng, thu hút được nguồn lực phát triển trong đó có Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…
TP.HCM kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội quan tâm chỉ đạo tổng kết và tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thí điểm thay thế Nghị quyết 54/2017, tạo động lực phát triển TP.HCM.
Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.
TP cũng kiến nghị, mong muốn định kỳ hàng năm và khi cần thiết tổ chức làm việc với TP.HCM để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho TP phát triển.
Kinh tế TP.HCM có nhiều khởi sắc
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tình hình phục hồi và phát triển TP trong chín tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc và khá đồng bộ.
Cụ thể, từ mức tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021 đã đạt mức tăng trưởng dương 3,82% vào sáu tháng đầu năm 2022 (dự kiến chín tháng sẽ đạt 9,71%); quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19; tổng thu ngân sách chín tháng đầu năm 2022 đạt trên 90% (tương đương 350.000 tỉ đồng)…
Ông dẫn chứng, quy mô kinh tế/GRDP theo giá hiện hành của TP năm 2022 đạt hơn 1.481.661 tỉ đồng, tăng gần 138.000 tỉ đồng (tăng 10,27% so với năm 2019). Tương tự GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 157,8 triệu đồng, tăng 9,1 triệu đồng (tăng 6,12% so với năm 2019).