Chuẩn bị bước vào những tháng cuối năm 2022, TS Phạm Thị Thanh Xuân, đại diện nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: Với triển vọng của quý IV-2022, mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt 6%-6,5% của TP.HCM là khả thi.
Bức tranh tổng quát kinh tế TP.HCM cấu thành bởi nhiều mảnh ghép với khá nhiều dịch chuyển trong giai đoạn có dịch và hậu đại dịch, đặc biệt chuyển biến rõ nét trong năm 2022. Trong đó, phải kể đến những mảnh ghép có sức ảnh hưởng nhất, bao gồm (i) khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), (ii) khu vực doanh nghiệp (DN)nội địa cùng với (iii) lực cầu nội địa khá lớn gắn với quy mô dân số đông và mật độ dày.
Khu vực FDI phục hồi sớm, lan tỏa sự lạc quan
. Phóng viên: Thưa bà, khu vực FDI và xuất khẩu được nhiều chuyên gia cho rằng đang giảm về quy mô đầu tư và không có nhiều dự án lớn. Bà có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
+ Bà Phạm Thị Thanh Xuân: Hơn 30% sức khỏe kinh tế TP phụ thuộc vào sức khỏe của thị trường quốc tế, thông qua khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Đây là khu vực kết nối cầu sản phẩm cũng như cung nguyên liệu từ các thị trường quốc tế vào hoạt động sản xuất trong nước. Vì phụ thuộc vào lực cầu quốc tế nên khu vực này có sự vận động tương đối ngược dòng.
TS Phạm Thị Thanh Xuân, nhóm nghiên cứu ĐH Kinh tế - Luật (trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Trong thời gian có dịch, khu vực này bền bỉ khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng đã có. Đây là khu vực ghi nhận sự phục hồi rất sớm, lan tỏa sự lạc quan ngay sau thời điểm TP mở cửa trở lại. Tuy nhiên, khi dịch đã tạm qua thì sức tăng trưởng chững lại vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự suy yếu lực cầu của thị trường thế giới, cũng như những rối loạn do biến động tỉ giá, lãi suất và lạm phát ở các thị trường chính.
Lập tổ công tác riêng rà soát, hỗ trợ FDI
Cũng đã đến thời điểm nên rà soát lại tình hình triển khai các dự án đầu tư đã đăng ký, ghi nhận các thuận lợi cũng như vướng mắc để có những hỗ trợ kịp thời. Các dự án FDI chỉ thực sự phát huy giá trị khi được hiện thực hóa theo đúng các cam kết. Việc thành lập tổ công tác riêng cho chuyên đề này là cần thiết, không chỉ trong ngắn hạn, mà xét ở tầm nhìn trung hạn, đồng hành cùng các ban ngành trong việc nghiên cứu ban hành “Tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI trong bối cảnh mới”.
TS PHẠM THỊ THANH XUÂNĐến quý III-2022, sức đóng góp của khu vực này vào sự phát triển kinh tế TP vẫn rất cao, tích cực nhưng đã chững lại và tình trạng đó có thể kéo dài sang năm 2023. Đơn cử quy mô sản xuất của một số ngành hàng vốn là chủ lực như xuất khẩu sản phẩm nội thất từ gỗ đã thu hẹp hẳn ngay trong quý III-2022. Tuy nhiên, đây chỉ là sự dịch chuyển tạm thời và khó có thể cải thiện từ các nỗ lực ở trong nước.
Khu vực DN nội địa nổi lên nhiều điểm sáng
. Khu vực DN sản xuất, kinh doanh nội địa đang có những chuyển động ra sao?
+ Khu vực này có sức sống dẻo dai nhưng không có sức bật lớn như khu vực FDI. Khu vực này đi sau trong quá trình phục hồi, chậm nhưng tương đối ổn định và một bộ phận bước nhanh hơn đã sang pha tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, giá trị đóng góp cho tổng thể nền kinh tế của TP vẫn còn tương đối khiêm tốn.
Mặc dù nói như vậy nhưng vẫn nổi lên nhiều điểm sáng mà chính quyền TP cần lưu ý để hỗ trợ phát triển. Thứ nhất, khu vực sản xuất thuốc và sản phẩm hóa dược phục hồi sớm. Ngành này hiện chỉ mới đáp ứng được lượng cầu tương đối khiêm tốn của thị trường lớn ngay tại TP và cả nước.
Thứ hai, khu vực sản xuất sản phẩm từ nhựa và cao su bật lên mạnh mẽ. Có khá nhiều điểm mạnh: (i) Công nghệ cũng đã ở tầm cạnh tranh được với đối thủ quốc tế; (ii) sản phẩm đa dạng, có thể phục vụ từ đời sống đến sản xuất, đơn cử các sản phẩm nhựa dùng cho nông nghiệp, nuôi tôm, cá…; (iii) thị trường không thiên lệch, phục vụ cả khách hàng trong nước và xuất khẩu; (iv) một số ngành có khả năng cải thiện nhanh tính nội địa trong từng sản phẩm, như sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế, sử dụng cao su vốn là vùng nguyên liệu mạnh của VN.
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại một công ty trong KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM. Ảnh: HỮU LUẬN |
. Sau khi TP mở cửa trở lại cho đến nay, lực cầu nội địa tăng trưởng ra sao, đóng góp thế nào cho kinh tế TP?
+ Trước dịch, tăng trưởng của TP có hơn 60% phụ thuộc vào thương mại, dịch vụ, du lịch, trong đó hơn 50% sức tăng trưởng nhờ vào lực cầu nội địa. TP có sức sống mãnh liệt cũng như sự năng động vượt trội, một phần lớn nhờ quy mô dân số đông. Trung bình có hơn 12 triệu người dân làm việc, sinh sống tại TP, tạo lực cầu rất lớn và cũng tạo sức hút, quy tụ nhiều DN, hộ kinh doanh, thậm chí các start up. Thời gian đầu tái mở cửa, khu vực này đã không ngay lập tức tăng bật trở lại mà vẫn còn dè dặt, thận trọng. Bước sang năm 2022, sức bật mới rõ nét và khu vực này trở thành động lực chính kéo nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Đến quý III-2022, có lẽ cầu nội địa tăng mạnh trở lại.
Kiểm soát tốt giá tăng và lạm phát
. Thời gian qua giá xăng dầu tăng mạnh dù gần đây đã được điều chỉnh lại, cùng với đó vật giá nhiều hàng hóa, dịch vụ cũng tăng. Điều đó tác động như thế nào đến đời sống, kinh tế tại TP?
+ Sự nhức nhối từ giá xăng dầu, từ giá cả leo thang, hay gói gọn trong nỗi ám ảnh của lạm phát, đã có thể ở lại tháng 7. Tháng 8 ghi nhận sự bình ổn trở lại. Điều này nhìn được tương đối rõ cả lạm phát chung lẫn lạm phát lõi. VN kiểm soát lạm phát tương đối tốt nhờ vào sự phối hợp của cả chính sách tiền tệ và tài khóa, kết hợp các can thiệp hành chính, đặc biệt là các chương trình bình ổn giá. Nhờ vậy mà đà tăng của lạm phát được hãm lại.
Nếu không kiểm soát kịp thời tốc độ tăng thì giá sẽ cuốn giá tăng rất nhanh và một khi thoát khỏi vòng kiểm soát thì sẽ tăng xoáy ốc, gây hại gần như tức thì cho nền kinh tế. Rất mừng là điều này đã không xảy ra ở TP.HCM. Phải nói rằng áp lực lạm phát của TP luôn cao hơn so với cả nước, khiến người dân, DN đều lúng túng, xoay xở để thích nghi. Giá cả lúc tăng thì ở TP tăng nhanh hơn trung bình cả nước và ngược lại, lúc giảm thì giảm chậm hơn. Lý do là vì TP gắn với một thị trường quy mô lớn lại có lực cầu đang hồi phục mạnh. Kiểm soát được lạm phát như hiện nay, tính đến cuối quý III-2022, có thể xem là thành tựu. Trong quý IV-2022, lạm phát vẫn tiếp tục là rủi ro nhưng không quá quan ngại khi đã có được sự kiểm soát chủ động như vừa rồi.
Công nhân sản xuất các chi tiết cơ khí tại Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam trong Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM). Ảnh: TTXVN |
Mục tiêu tăng trưởng năm 2022: Khả thi!
. Như bà phân tích ở trên, liệu mục tiêu tăng trưởng của TP năm 2022 có đạt được?
+ So với trước dịch thì diễn biến thay đổi của nền kinh tế TP không chậm rãi, kéo dài hàng năm mà luôn có những khác biệt từ quý này sang quý khác. Về cơ bản, phần lớn các ngành đã hoàn thành pha phục hồi, trừ ngành du lịch, vẫn còn ở khá xa mốc phục hồi. Đây vốn là ngành chịu tổn thương nặng nề nhất trong dịch và chưa thể phục hồi nhanh khi thị trường du lịch cũng đang chịu ảnh hưởng của suy thoái hậu dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tăng trưởng GRDP của TP.HCM. Nguồn: Báo cáo Kinh tế Vĩ mô TP.HCM Quý III năm 2022 do ĐH Kinh tế - Luật thực hiện. |
Với những kết quả đã đạt được tính đến hết quý III-2022 cũng như triển vọng của quý IV-2022, mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt 6%-6,5% là khả thi. Tuy nhiên, lưu ý rằng triển vọng quý IV-2022 không được lạc quan như quý III-2022. Những gì đẹp nhất có lẽ đã nở rộ ở quý III-2022 rồi. Dù vậy, quý IV-2022 vẫn còn một số dư địa cho tăng trưởng, nhờ hưởng lợi từ lực đẩy mà chính quyền TP đã nỗ lực kiến tạo ngay từ quý III-2022.
Với những kết quả đã đạt được tính đến hết quý III-2022 cũng như triển vọng của quý IV-2022, mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6%-6,5% là khả thi.
Kinh tế đổi mới sáng tạo bắt đầu có thành tựu
. Sau dịch nhiều ý kiến cho rằng TP cần cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và công nghệ cao với các lĩnh vực ít thâm dụng lao động và mang về giá trị cao. Bà nhận định thế nào về quan điểm này?
+ Tôi cho rằng động từ “cấu trúc lại” có lẽ quá lớn và áp lực. Về bản chất, đó là sự dịch chuyển “hữu xạ tự nhiên hương”. Có nghĩa là khi các nguồn lực trong nền kinh tế được khai thác vượt một ngưỡng nhất định thì chuyển động theo hướng cải thiện hơn trên cơ sở vận dụng các phương tiện, nền tảng, công cụ tiên tiến hơn để cải thiện hiệu quả, năng suất công việc.
Để quá trình chuyển dịch này diễn ra thuận lợi hơn, cũng như tránh tình trạng các nguồn lực bị vắt kiệt, chính quyền TP và cả trung ương đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, thúc đẩy và hỗ trợ. Như vậy, “định hướng và kiến tạo động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch” có lẽ phù hợp hơn là “cấu trúc lại nền kinh tế”.
. Thực tế thì sự dịch chuyển của nền kinh tế TP theo hướng đổi mới sáng tạo đã thể hiện rõ ràng cho đến hết quý III-2022 chưa?
+ Đổi mới sáng tạo và vận dụng công nghệ cao là sự dịch chuyển tất yếu và bây giờ cũng là thời điểm cần rốt ráo. Tính đến quý III-2022, đã có thể nhìn thấy được sự dịch chuyển này ở một số khu vực, đơn cử thu hút FDI. Theo báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM quý III-2022, tình hình thu hút FDI tuy không còn ồ ạt như đã có ở giai đoạn 2019 nhưng đã có bước dịch chuyển tích cực đúng định hướng, từ đầu tư hình thành nhà máy gia công sang các dự án cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Đơn cử như dịch vụ cho thuê hạ tầng công nghệ số phục vụ khách hàng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, kinh tế số, tạo nền cho phát triển Fintech Hub trong nay mai.
Ở giai đoạn này, TP đi đầu và đón đầu làn sóng FDI mới bằng việc hình thành môi trường có sẵn hạ tầng công nghệ tốt kèm các dịch vụ tiện ích bậc cao. Sự dịch chuyển này dần đưa TP thành nơi đáp ứng được yêu cầu của những tập đoàn công nghệ đưa vốn đầu tư vào phát triển các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cung ứng và chuyển giao các giải pháp đổi mới sáng tạo tại chỗ.
. Xin cám ơn bà.
FDI từ các DN công nghệ từ Singapore tăng rất nhanh
Riêng trong tháng 7-2022, thu hút FDI từ Singapore tăng thêm 16 dự án với tổng vốn tương đương 99,6 triệu USD, chiếm 46% của tổng vốn FDI đăng ký đầu tư mới vào TP. Điểm tiêu biểu ở đây là phần lớn FDI từ Singapore gắn với yếu tố công nghệ cao, ít đòi hỏi quỹ đất lớn và không thâm dụng lao động.
Dự án trọng tâm nhất đã ký kết thời gian gần đây là Trung tâm dữ liệu OneHub do nhà đầu tư Singapore phát triển, dự kiến hình thành tại khu phức hợp OneHub Saigon. Ngoài ra, các dự án FDI từ Singapore tập trung ở các lĩnh vực chính gồm: Cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ dữ liệu số; dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính ngân hàng... đều là những mảnh ghép quan trọng hình thành và hoàn thiện dần hạ tầng công nghệ số cho TP. Tuy các dự án còn là những mảnh ghép nhỏ nhưng góp phần rất tích cực hoàn thiện cho hệ sinh thái FDI tại TP.