TP.HCM bắt đầu 2 tuần nghiêm ngặt, 'ai ở đâu ở yên đó'

Hôm nay, ngày đầu tiên TP.HCM bước vào hai tuần (từ 0 giờ ngày 23-8 đến hết 6-9) siết mạnh giãn cách xã hội, nâng cao các biện pháp phòng chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.

Thực hiện triệt để giãn cách xã hội

Trong hai tuần này, TP.HCM sẽ thực hiện triệt để quy định giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly với khu phố/ấp, phường/xã, thị trấn cách ly với phường/xã, thị trấn.

Để thực hiện việc này, TP.HCM sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt tại các phường/ xã, thị trấn, trong đó tập trung vào những vùng có nguy cơ cao và rất cao “vùng cam” và “vùng đỏ”. Tổ này gồm có chủ tịch UBND phường/ xã, thị trấn; công an, quân đội, công chức, viên chức; cán bộ phường/ xã, thị trấn…

Các lực lượng của tổ công tác đặc biệt này sẽ tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội.

Cùng với thành lập tổ công tác đặc biệt, TP.HCM sẽ tổ chức rà soát, siết chặt các đối tượng được tham gia lưu thông. Các lực lượng như công an, quân đội sẽ thiết lập các chốt kiểm tra, tuần tra để kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm.

từ 0 giờ ngày 23-8, ngoài các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp, lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch thì các đối tượng khác được ra đường theo quy định của TP bắt buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Riêng lực lượng giao hàng sử dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP Thủ Đức và bảy quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng.

Tất cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, trung ương đóng trên địa bàn triển khai thực hiện phương án “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường - hai điểm đến” với tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị. Những người này phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23-8.

Lực lượng chức năng kiểm soát người dân ra đường tại một chốt trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM vào chiều 22-8.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Trao 2 triệu túi an sinh, công an, quân đội đi chợ hộ dân

Song song với việc siết giãn cách xã hội, TP.HCM sẽ tăng cường lương thực, thực phẩm tiếp tục chăm lo cho người dân tốt hơn để người dân yên tâm “ai ở đâu ở yên đó” cùng TP chống dịch.

Từ nay đến ngày 25-8, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp cùng các quận, huyện và TP Thủ Đức bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh lần 2 để hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, có các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ như miễn, giảm tiền điện, nước.

Hiện TP đã trao 500.000 túi an sinh. Từ ngày 24-8 đến 6-9, TP.HCM sẽ trao thêm 1,5 triệu túi an sinh chuyển trực tiếp đến người dân khó khăn và chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.Việc trao gói an sinh này phải đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.

Về cung ứng hàng hóa, ngày 22-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký ban hành Kế hoạch khẩn số 2798 với mục tiêu đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên nguyên tắc TP không để người dân nào bị thiếu đói trong thời gian “ai ở đâu thì ở đó”.

Lực lượng quân đội tăng cường cùng trực chốt tại đầu cầu Trường Đai, đoạn giáp ranh giữa quận 12 và quận Gò Vấp. Ảnh: NT

Theo đó, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, MTTQ, tổ dân phố...), các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ.

Việc “đi chợ hộ” thực hiện với tần suất một lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Đối với người dân khó khăn do dịch, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp với Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để tổ chức cấp phát các túi an sinh miễn phí cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.

Để thực hiện việc “đi chợ hộ”, TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thành lập các tổ hậu cần theo từng phường/xã, thị trấn.

Các tổ này phải chịu trách nhiệm về công tác cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn, không để cho bất cứ người dân nào sinh sống trên địa bàn không có điều kiện tiếp cận, mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Bộ Tư lệnh TP.HCM sẽ huy động nguồn lực tham gia hỗ trợ các phường/xã, thị trấn trong việc tổ chức vận chuyển, phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến từng hộ gia đình.

Công an TP.HCM thì chỉ đạo các trạm, chốt tại địa phương và các lực lượng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm đảm bảo lưu thông thông suốt, kịp thời cung ứng hàng hóa đến người dân.

UBND TP.HCM đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cơ quan thường trực Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, chủ động phối hợp với địa phương để điều phối, hỗ trợ các túi an sinh miễn phí đến các người dân khó khăn.

Tổng lực xét nghiệm

Cũng trong hai tuần tới, TP.HCM sẽ tổng lực xét nghiệm, tiêm vaccine; song song đó là tổ chức điều trị F0 hiệu quả.

Về xét nghiệm, TP.HCM sẽ tăng cường xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong vùng cam và vùng đỏ bằng phương thức xét nghiệm kháng nguyên mẩu đơn cho toàn bộ người dân. Bổ sung xét nghiệm các đối tượng là nhân viên siêu thị, tài xế vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc Tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (tài xế, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu (bảy ngày/lần).

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại các vùng bình thường mới (xanh và cận xanh) ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu gộp (10) đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc vùng xanh và cận xanh, tần suất hai lần, cách nhau bảy ngày.

Tại các vùng nguy cơ - vùng vàng, ông Nam cho biết sẽ xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu gộp (5) đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển vùng vàng thành vùng xanh.

Riêng các khu phong tỏa, sẽ tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa và xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ giải gộp bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên và hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định. Nếu âm tính có thể gỡ phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện ca nghi nhiễm. Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa, sẽ tổ chức xét nghiệm lại sau 5-7 ngày để tiếp tục thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới gỡ phong tỏa khi đủ điều kiện.

Địa điểm tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng, ông Nam cho biết có thể tổ chức tại nhà hoặc địa điểm thuận lợi. “Nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế cung cấp thiết bị để người dân tự làm, sau đó thu lại mẫu” - ông Nam nói và cho biết sau khi lấy mẫu xét nghiệm, trung tâm y tế nhận và chuyển mẫu vào các thời điểm 11 giờ, 18 giờ và 23 giờ trong ngày, theo sự điều phối của Trung tâm Điều phối xét nghiệm.

Đến tận nhà dân tiêm vaccine và 400 trạm y tế lưu động

Về tiêm vaccine, ở  vùng đỏ và vùng cam (gồm TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và Hóc Môn) sẽ được tổ chức theo hướng đưa đội tiêm vaccine di động đến tận nhà dân để tiêm.

Cùng với đó sẽ tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời bà con từng hộ. Riêng tại khu chung cư, phối hợp với ban quản lý chung cư tổ chức điểm tiêm, mời tuần tự các hộ cùng tầng ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối. Các đội tiêm và phục vụ tiêm được trang bị đầy đủ thiết bị, quần áo bảo hộ.

Về điều trị F0 tại nhà, TP thành lập thêm gần 400 trạm y tế lưu động (thành phần gồm một bác sĩ, hai y tá, điều dưỡng và bốn tình nguyện viên) tại các khu vực có nhiều F0, có chức năng tham gia sơ cấp cứu, theo dõi F0 đang điều trị tại nhà. Trạm y tế được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình ôxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh… Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà. 


Nhiều lực lượng quân đội, công an trực tiếp hỗ trợ TP.HCM

Chiều 22-8, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đi thực địa kiểm tra một số chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam yêu cầu các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát tại các chốt đề cao trách nhiệm, thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đó là “nhà cách ly với nhà, phố phường cách ly với phố phường, quận/huyện cách ly với quận/huyện”.

“Các cán bộ, chiến sĩ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, kiểm soát ở các khu vực, đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội thật nghiêm túc trong 15 ngày tới trên địa bàn TP.HCM” - Trung tướng Ngô Minh Tiến lưu ý.

TP.HCM bắt đầu 2 tuần nghiêm ngặt, 'ai ở đâu ở yên đó' ảnh 3
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (bìa trái), kiểm tra thực địa một số chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: PĐ

Cũng trong ngày 22-8, Sư đoàn 5 Quân khu 7 (đóng quân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh) đã phân công gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ đến TP.HCM để giúp TP phòng chống dịch COVID-19. Các cán bộ, chiến sĩ này sẽ được phân bổ về các quận 6, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè.... của TP.HCM.

Chiều 22-8, gần 100 y bác sĩ, cán bộ hậu cần cũng đã đến TP.HCM để tham gia xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19 và vận hành bệnh viện dã chiến tại TP.HCM.

Trước đó, đêm 21-8, 300 cán bộ, nhân viên, học viên của Học viện Quân y tăng cường cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch COVID-19 đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lực lượng này chủ yếu tham gia các nhiệm vụ gồm lấy mẫu xét nghiệm; tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, điều trị, chăm sóc các bệnh nhân F0 cách ly tại nhà; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.

Cùng ngày 21-8, 310 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên được điều động đến TP.HCM để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch COVID-19. Ngay trong đêm 21-8, khi đến điểm tập kết quân tại Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức, hoàn thành công tác xét nghiệm, các cán bộ, chiến sĩ đã lập tức di chuyển đến các chốt để thực hiện nhiệm vụ.

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Bộ Quốc phòng, cho biết sau khi Thủ tướng giao QĐND chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân TP.HCM dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương và phối hợp của các lực lượng khác, lãnh đạo bộ đã họp bàn cùng các cơ quan để lắng nghe yêu cầu, đề nghị của địa phương. “Quân đội lúc nào cũng sẵn sàng vì nhân dân phục vụ” - Thượng tướng Vũ Hải Sản nói.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã thành lập bảy bệnh viện dã chiến ở các tỉnh, thành phía Nam với khả năng thu dung, điều trị cho 3.500 bệnh nhân và sẵn sàng mở rộng đáp ứng tiếp nhận đến 10.000 bệnh nhân. NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm