Ngày 14-9, Sở GD&ĐT đã có báo cáo với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM về tình hình đầu năm học mới 2021-2022.
Theo đó, tính đến 11-9, toàn TP có hơn 1,7 triệu học sinh, tăng hơn 11.000 em so với năm học trước.
Do ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, từ đầu tháng 9 đến nay, học sinh từ tiểu học đến THPT, GDTX đã bắt đầu năm học mới theo hình thức trực tuyến và dự kiến sẽ thực hiện đến hết học kỳ 1.
Sau hai tuần tập trung học trực tuyến, TP có khoảng 1,3 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT đang làm quen, học chương trình mới. Trong đó, tiểu học đạt 94% học sinh tham gia, bậc THCS có gần 94% em và THPT gần 98%, Giáo dục thường xuyên hơn 89%. Một số em mắc kẹt ở quê đã đăng ký học tạm trường gần nơi ở. Riêng khối mầm non chưa đến trường.
Học sinh khối THCS trong một giờ học trực tuyến ở TP.HCM
Đáng nói, theo khảo sát của Sở GD&ĐT, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng lớn đến đội ngũ trong ngành giáo dục. Hiện TP có 10.073 em nhiễm COVID-19, nhiều nhất ở bậc tiểu học và THCS. Đặc biệt có 1.517 học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do dịch COVID-19.
Ngoài ra, gần 3.400 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục thuộc diện F0. Hơn 14.300 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đang tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Hiện TP.HCM có 1.253 cơ sở trường học đang được trưng dụng cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cũng theo ghi nhận của Sở GD&ĐT TP.HCM, tính đến thời điểm 11-9, tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên, người lao động trong ngành giáo dục bị mất việc làm là 12.341 người, tập trung nhiều nhất ở bậc học mầm non với hơn 10.129 người (chiếm trên 82%).
Riêng khối các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, số lao động mất việc làm hoặc tạm chấm dứt hợp đồng lao động đã 1.046 người.
Về tình hình sách giáo khoa, Sở cũng thông tin, đến nay gần 72% học sinh đã có sách giáo khoa, còn hơn 200.000 học sinh chưa có sách, chiếm hơn 17%.
Số lượng học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến đã giảm đáng kể so với khảo sát cuối tháng 8. Từ 75.000 em không có điều kiện học trực tuyến nay còn chưa đến 40.000 em.
Toàn TP đến nay có khoảng hơn 90% giáo viên được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó gần 56% giáo viên tiêm đủ 2 mũi.