Những ngày gần đây, dư luận xôn xao khi báo chí đưa tin về sự việc xảy ra với trẻ tự kỷ tại Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Theo đó, những đứa trẻ tại trung tâm này phải sống trong môi trường không sạch sẽ, bị giáo viên quát nạt, đe dọa khi không nghe lời, không chịu tập con lăn, đi xe đạp, tung bóng... và nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, trước những hình ảnh này, các gia đình có con bị tự kỷ lại phân ra hai luồng ý kiến. Một bên bày tỏ thái độ phẫn nộ, không đồng tình với cách làm việc của trung tâm Tâm Việt. Bên còn lại thì cho rằng có thể chấp nhận được vì trẻ tự kỷ không tự chủ được hành vi nên môi trường khó có thể sạch sẽ và nếu không quát nạt, dùng đòn roi thì trẻ tự kỷ sẽ không nghe lời.
PLOđã có buổi phỏng vấn GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec (VRISG), về những vấn đề liên quan đến việc giáo dục trẻ tự kỷ.
. PV: Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng đưa trẻ tự kỷ đi học làm xiếc. Vậy GS có đánh giá thế nào về việc dạy xiếc, dạy kỹ năng sống để tác động thay đổi hành vi của trẻ tự kỷ?
+ GS Nguyễn Thanh Liêm: Hiện vấn đề can thiệp cho trẻ tự kỷ vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự can thiệp đa mô thức, đa chuyên ngành, trong đó có can thiệp về cải thiện hành vi, tăng cường nhận thức, về vận động, về ngôn ngữ... Một phương pháp nào đó đơn lẻ cũng không giải quyết được vấn đề. Quan trọng nhất là phải can thiệp sớm, càng sớm càng tốt.
Về vấn đề dạy kỹ năng sống, chúng ta chưa có kiểm chứng thì khó nói được cái nào tốt hơn cái nào. Tôi chỉ nói quan điểm cá nhân của tôi, là trẻ tự kỷ cần được ở với cha mẹ như những đứa trẻ bình thường. Chúng ta không thể tách những đứa trẻ bình thường ra khỏi cha mẹ và nói nó sẽ học tốt hơn, thông minh hơn... Trẻ tự kỷ cũng như trẻ bình thường, cần được gần gũi cha mẹ, cần nhận được tình yêu thương che chở như những đứa trẻ bình thường. Và đương nhiên ngoài cha mẹ thì cần có những nhà giáo dục chuyên nghiệp, tạo môi trường để trẻ có thể giao lưu, tiếp xúc nhiều nhất với bạn bè đồng lứa, người thân... qua cách đi dã ngoại, tổ chức liên hoan, người thân.
. Một số ý kiến cho rằng với trẻ tự kỷ phải quát tháo, dọa nạt, đánh đập... thì trẻ tự kỷ mới nghe lời. Nếu không làm vậy, trẻ sẽ xé quần áo, đập tường vào đầu đến chết. GS có quan điểm thế nào về ý kiến này?
Một buổi tập luyện của trẻ tự kỷ tại trung tâm Tâm Việt. Ảnh: CTV
+ Trẻ tự kỷ là con người nên các cháu phải được đối xử như một con người. Chúng ta không được áp dụng bất cứ phương pháp nào hay bằng cách nào mà không phải là cách đối với con người cho các cháu. Chúng ta không được đánh đập trẻ em bình thường thì chúng ta cũng không có quyền đánh đập trẻ em tự kỷ.
. Là người đã có nhiều năm nghiên cứu, can thiệp cho trẻ tự kỷ, ông thấy trẻ tự kỷ có dễ tổn thương không?
+ Trẻ tự kỷ vẫn có nhận thức, vẫn có cảm xúc, chỉ không thể hiện được ra như những đứa trẻ bình thường mà thôi. Cũng như những đứa trẻ khác, trẻ tự kỷ khi bị đánh, mắng nhiều quá thì rõ ràng sẽ bị ức chế, không khác gì những đứa trẻ bình thường. Trẻ tự kỷ cũng biết buồn, tủi, biết yêu quý những người yêu quý nó. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Những người nào thực sự chăm sóc nó, gần gũi yêu thương nó thì nó sẽ gần gũi lại. Những người nào mà không yêu thương nó thì khó có thể gần với trẻ.
. Việc tách trẻ tự kỷ ra khỏi cha mẹ thì có nên không, thưa GS?
+ Các thầy cô dù có giỏi đến mấy, tận tâm đến mấy thì một ngày cũng chỉ can thiệp trực tiếp được một đến hai tiếng là nhiều nhất, còn lại thì không. Mà trẻ tự kỷ cần giáo dục mọi lúc, mọi nơi nên vai trò của cha mẹ rất lớn. Những trẻ mà chúng tôi đã có dịp can thiệp, điều trị, thì những trẻ có tiến bộ đều là những trẻ mà cha mẹ đã phải đầu tư rất nhiều công sức, rất nhiều tình cảm, rất nhiều nỗ lực thì các trẻ đó mới thành công được. Còn phó mặc cho các trung tâm, phó mặc cho các thầy cô giáo thì rất khó.
Cần một chính sách quốc gia dành cho trẻ tự kỷ Chúng ta cần có một chính sách quốc gia, một chương trình quốc gia dành cho trẻ tự kỷ. Bởi vì vấn đề này rất lớn. Tại Việt Nam có đến mấy trăm ngàn trẻ bị tự kỷ thì không thể chỉ có những biện pháp nhỏ lẻ. Chúng tôi đã gặp và có đề nghị với Thủ tướng, Thủ tướng rất quan tâm và chỉ đạo Bộ Y tế báo cáo tình hình trẻ tự kỷ trước ngày 30-10. Tôi không biết câu chuyện này đang diễn biến như thế nào nhưng chúng ta cần phải đề ra chính sách, truyền thông nâng cao nhận thức để phát hiện sớm tự kỷ ở trẻ, can thiệp sớm, đào tạo những người can thiệp phải chuyên nghiệp, mở ra nhiều trung tâm, đặt ra những tiêu chuẩn cho người can thiệp trẻ tự kỷ, đặt ra tiêu chuẩn cho trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ, chứ không phải ai muốn can thiệp cũng được, trung tâm nào muốn thành lập cũng được. Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm |