Tình trạng bơm nước vào gia súc, gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Long An. Chi cục Thú y tỉnh Long An quyết làm trong sạch hiện tượng này. Từ cuối năm 2014 đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã tung lực lượng theo dõi tình trạng giết mổ tại các lò mổ trên địa bàn tỉnh, sau đó khoanh vùng hai cơ sở có nhiều biểu hiện nghi vấn là cơ sở Huỳnh Thảo và Năm Xuân (cùng xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa).
Qua mặt không được thì đe dọa
Tuy vậy cuộc đấu tranh chống bơm nước vào bò không hề đơn giản. Lực lượng thú y rất khó bắt được quả tang hành vi bơm nước vì thương lái đã đề phòng, lại dùng đủ mọi thủ đoạn để đối phó.
Ông Nguyễn Trường Vũ, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thủ Thừa, kể một “chiêu” mà thương lái thường dùng là bơm nước bò ở những điểm bí mật bên ngoài, bơm vừa đủ để bụng không căng, bò còn đứng vững, sau đó đưa vô lò chờ giết mổ.
Bạo gan hơn, lợi dụng lúc cán bộ thú y bận kiểm tra giấy tờ (thường mất cả tiếng đồng hồ), thương lái lén lút bơm nước bò ngay trong lò, tất nhiên có người “canh me” và cũng bơm vừa đủ để không bị phát hiện. Nếu lỡ bị phát hiện, họ nhanh tay rút ống nước khỏi miệng bò rồi giả vờ… tắm cho bò. “Điều này khiến cơ quan chức năng khó bắt tận tay hành vi bơm nước vào bò” - ông Vũ nói.
Mặt khác, những thương lái còn tung “đàn em” mua chuộc, thậm chí đe dọa cán bộ thú y khi cần thiết. Một cán bộ Trạm Thú y huyện Thủ Thừa (xin giấu tên) kể trong lần xử lý một thương lái đưa bò có biểu hiện bơm nước vào cơ sở Huỳnh Thảo giết mổ, một “đàn em” của người này gợi ý chung chi 5 triệu đồng để được bỏ qua. “Sau khi tôi từ chối và kiên quyết không cho giết mổ con bò nghi bơm nước, người này liên tục nhắn tin hăm dọa xin… tí huyết” - cán bộ này nói.
Ngoài ra, nhiều đối tượng nhậu vào rồi mượn rượu kéo đến la lối, gây áp lực với cán bộ thú y. “Bản thân tôi sau khi làm xong nhiệm vụ, trên đường về nhà đã bị một số đối tượng đeo bám và hăm dọa” - ông Vũ cho biết.
Những con bò có biểu hiện bất thường nghi bơm nước đưa vào cơ sở Huỳnh Thảo bị hoãn giết mổ trong 24 giờ.
Sau đó một con bò không đứng nổi, nằm bệt xuống sàn nhà.
Và lát sau lăn ra chết. Ảnh trong bài: CTV
Cứng rắn
Trước các thủ đoạn nguy hiểm trên, lực lượng thú y phải cứng rắn và đủ bình tĩnh để xử trí trong những tình huống cụ thể. Khi phát hiện trong cả đàn bò đưa vào lò chờ giết mổ chỉ một con có hiện tượng bất thường (ngã khụy, bụng hơi căng…) thì lực lượng thú y cũng lập biên bản hoãn giết mổ cả đàn trong vòng 24 giờ. Đây là điều thương lái rất “ngán” vì sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Thế là thương lái “làm reo”, lấy lý do “bò mệt nên té ngã” chứ chẳng phải bị bơm nước, thương lái gây áp lực và yêu cầu cán bộ thú y cho giết mổ ngay. “Tuy nhiên, chỉ 2-3 tiếng sau, bò nghi bị bơm nước nằm đờ đẫn, co giật…, thậm chí có con chết cứng. Lúc này thương lái mới chịu im lặng” - ông Vũ nói.
Tuy vậy, các đối tượng này rất manh động. “Đã có trường hợp lợi dụng lúc cán bộ thú y đang giải quyết giấy tờ liền lén lút mang con bò bị hoãn giết mổ khỏi khu vực hòng tẩu tán. Chúng tôi đã phạt một đối tượng 4,5 triệu đồng vì hành vi này” - ông Vũ cho biết.
Một biện pháp khác là yêu cầu chủ cơ sở giết mổ làm cam kết. Cụ thể, ngày 22-11-2014, Chi cục Thú y tỉnh Long An đã yêu cầu chủ cơ sở giết mổ Huỳnh Thảo là bà Nguyễn Thị Y Nê (ngụ tỉnh Long An) làm cam kết chấm dứt tình trạng bơm nước vào bò. Ngày 5-12-2014, thương lái của cơ sở Huỳnh Thảo là bà Trần Thị Thu (ngụ tỉnh Long An) cũng được yêu cầu ký tên vào bản cam kết.
Buộc tạm ngưng giết mổ tại cơ sở Huỳnh Thảo
Sau khi đã cam kết, nếu cơ sở tái phạm thì lực lượng thú y có cơ sở để xử lý mạnh tay. Ông Hà Văn Phúc, Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế Chi cục Thú y tỉnh Long An, cho biết chỉ trong hai ngày 26 và 27-11-2014, Trạm Thú y huyện Thủ Thừa đã lập biên bản hoãn giết mổ 36 con bò có biểu hiện bất thường nghi bơm nước tại cơ sở Huỳnh Thảo. Đồng thời, cơ quan thú y tạm ngưng thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở này trong năm ngày.
Trước sự cứng rắn của lực lượng thú y, tình hình giết mổ bò bơm nước tại cơ sở này tạm lắng xuống nhưng đến tháng 4-2015 lại rộ lên. Cụ thể, ngày 14-4, Trạm Thú y huyện Thủ Thừa lập biên bản yêu cầu cơ sở Huỳnh Thảo hoãn giết mổ chín con bò (có một con đã chết) do có hiện tượng bất thường nghi bơm nước. Từ ngày 5 đến 13-5, cơ sở này tiếp tục bị lập biên bản hoãn giết mổ 52 con bò (có 10 con chết) cũng với lý do trên.
“Tình hình bơm nước vào cơ thể gia súc tại cơ sở giết mổ Huỳnh Thảo diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Các thương lái có hành vi chống đối và gây áp lực với lực lượng thú y. Do vậy, Chi cục Thú y tỉnh Long An đã tạm ngưng kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại cơ sở Huỳnh Thảo từ ngày 21-5” - ông Phan Ngọc Châu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, khẳng định.
Ông Châu cho biết thêm từ khi tạm ngưng kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại cơ sở Huỳnh Thảo, các cơ sở giết mổ bò còn lại trên địa bàn tỉnh Long An đã có chuyển biến tích cực.
Đưa cơ sở Năm Xuân vào “tầm ngắm” Cơ sở giết mổ Năm Xuân (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) cũng nhiều lần bị lập biên bản hoãn giết mổ trâu, bò vì nghi bơm nước. Theo ông Nguyễn Trường Vũ, từ ngày 27-11 đến 15-12-2014, trạm đã lập 11 biên bản hoãn giết mổ 98 con trâu, bò (chết 24 con) có hiện tượng bất thường nghi bơm nước tại cơ sở này. Cơ quan thú y đã phạt hai trường hợp vi phạm này với số tiền 5 triệu đồng. Không dừng tại đó, tháng 4-2015, Trạm Thú y huyện Thủ Thừa tiếp tục lập chín biên bản hoãn giết mổ 78 con trâu, bò (chết 11 con) có hiện tượng bất thường nghi bơm nước. Rồi trong ba ngày 1, 4 và 13-5, thêm ba biên bản hoãn giết mổ 25 con trâu, bò (chết hai con) cũng với lý do như trên. “Tình hình bơm nước trâu, bò hiện nay tại cơ sở giết mổ Năm Xuân diễn biến cũng rất phức tạp và nghiêm trọng. Các thương lái tìm mọi cách đối phó cơ quan thú y, thậm chí mua chuộc cán bộ thú y” - ông Vũ nói. Cơ sở Huỳnh Thảo (huyện Thủ Thừa, Long An) mỗi ngày giết mổ khoảng 30 con bò. Thịt bò đa phần đưa lên TP.HCM tiêu thụ, một ít còn lại tiêu thụ ở chợ Tân An (Long An). Ngoài tạm ngưng kiểm dịch, kiểm soát giết mổ từ ngày 21-5 tại cơ sở Huỳnh Thảo, Chi cục Thú y tỉnh Long An còn thông báo đến chi cục thú y các tỉnh, thành phố biển số xe của một số phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ cơ sở Huỳnh Thảo để phối hợp giám sát. Cụ thể đó là các xe mang biển số: 51C-458.74, 57L-6650, 51C-332.79, 51C-444.62 |