“Chúng ta sửa luật để thuận lợi hơn cho người dân hay thuận lợi hơn cho tòa án?”. Đây là câu hỏi được đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) đặt ra khi nêu ý kiến không tán thành với đề xuất tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội hôm 22-11.
Quyền lợi cho người dân - tất nhiên đây là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu, không cần bàn cãi. Thế nhưng, chúng ta cũng không thể xem nhẹ việc giải quyết những vướng mắc trong hoạt động của hệ thống tòa án, mà mục tiêu cuối cùng hướng tới vẫn là tạo sự thuận lợi cho người dân.
1.
Phải thừa nhận rằng thực tiễn hiện nay việc người dân tự thu thập chứng cứ đúng là khó trăm đường, bởi trình độ dân trí, ý thức, hiểu biết pháp luật của người dân hiện chưa đồng đều, trong khi cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân.
Đặc biệt trong các vụ việc mà chứng cứ nằm trong tay các cơ quan nhà nước hay các tổ chức như ngân hàng… thì việc người dân tự thu thập chứng cứ là điều cực kỳ khó khăn, bất khả thi. Nói như Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Nguyễn Thanh Sang thì: “Tòa án là cơ quan quyền lực, khi thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống chi giao cho người dân. Người dân yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản, liệu ngân hàng có sao kê không? Yêu cầu phòng Quản lý đô thị, phòng TN&MT cung cấp giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng được không? Tôi trả lời là không”.
Chính vì vậy, việc nhiều đại biểu không tán thành quy định tại dự thảo và bày tỏ sự lo ngại đối với quyền lợi của người dân là có cơ sở.
2.
Thế nhưng, ở góc độ khác, người ta thường nói “việc dân sự cốt ở đôi bên”, tức là hai bên nguyên đơn - bị đơn tự thu thập, chuẩn bị chứng cứ cung cấp cho tòa. Trên cơ sở chứng cứ này, khi ra tòa đôi bên (tự mình hoặc nhờ luật sư) tranh luận. Tòa án căn cứ vào chứng cứ, vào kết quả tranh tụng và quy định của pháp luật để ra phán quyết.
Trên thực tế chúng ta thấy không ít trường hợp ở phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn thắng nhưng khi lên phiên tòa phúc thẩm thì nguyên đơn lại thua. Sở dĩ có chuyện thắng - thua lật ngược 180 độ như vậy là bởi đương sự phía bên kia đã cung cấp, bổ sung chứng cứ quan trọng. Câu nói “chứng cứ đến đâu, tòa xử đến đó” mà ta hay nghe có lẽ xuất phát từ thực tiễn này.
Đặc biệt, Nghị quyết 27-NQ/TW (về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới) cũng đã nêu rõ “xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”. Vì thế, nếu giao hoàn toàn việc thu thập chứng cứ cho tòa án thì sẽ khó đảm bảo nguyên tắc tranh tụng - vốn do hai bên đối tụng thực hiện dựa trên chứng cứ mà họ thu thập được chứ không phụ thuộc vào kết quả thu thập của tòa.
Ngoài ra, với quy định như hiện nay rằng “đương sự có quyền yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu không thể tự thu thập” đã khiến cho đương sự mặc nhiên xác định tòa án có nhiệm vụ thu thập chứng cứ. Có lẽ vì vậy mà đại biểu Mai Khanh (nguyên Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình) nói: “Các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ nhưng thực chất khi đương sự đến tòa án hầu như chỉ nộp đơn, gần như 100% việc thu thập chứng cứ do tòa án thực hiện”.
3.
Rõ ràng quy định tòa không thu thập chứng cứ hay quy định tòa án phải thu thập chứng cứ đều có điểm được và chưa được. Tìm một phương án để “vẹn cả đôi đường”, vừa đảm bảo được quyền của người dân, vừa đảm bảo tinh thần “việc dân sự cốt ở đôi bên” là điều mà các đại biểu Quốc hội đang đòi hỏi.
Giải trình trước Quốc hội, chính Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu và đưa ra một gợi mở để giải quyết vấn đề này. Theo Chánh án TAND Tối cao, để giải quyết vấn đề các cơ quan nắm giữ chứng cứ nhưng không cung cấp cho các đương sự thì tòa án không phải chỉ hỗ trợ người yếu thế mà hỗ trợ cho cả đôi bên.
Theo đó, khi có yêu cầu của người dân - kể cả bên nguyên hay bên bị - rằng tự họ không thể thu thập chứng cứ thì tòa án sẽ hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ. Khi đó, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp; nếu không cung cấp thì sẽ bị chế tài được quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Đây chỉ mới là nội dung dự kiến tiếp thu, còn tiếp thu như thế nào, cơ chế thực hiện ra sao là điều cần phải bàn sâu. Tuy nhiên, chỉ cần thực hiện được điều này thì sẽ đảm bảo được thuận lợi cho người dân, đồng thời tòa án cũng giảm tải được công việc. Điều này cũng sẽ góp phần thực hiện được nguyên tắc tranh tụng - một trong những khâu đột phá trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền như Nghị quyết 27 đã nêu rõ. Khi đó, tòa án sẽ làm đúng chức trách “quan tòa”, tức là chỉ xét xử dựa trên chứng cứ các bên cung cấp.