Chiều 22-11, sau khi các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến thảo luận, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình về một số nội dung tại dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Liên quan đến quy định tại dự thảo về việc toà án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, các đại biểu có quan điểm trái chiều.
Tán thành dự thảo, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho rằng Đây là một sự đổi mới căn cơ, cần thiết phải mạnh dạn áp dụng.
“Theo tôi, đây không phải việc đẩy khó cho người dân, đây là một cơ chế tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”- ông Phong nói.
Cũng theo ĐBQH TP.HCM, trong quá trình xét xử, tòa án cũng dựa trên các chứng cứ của các bên đương sự thu thập để đi thẩm tra, xác minh. Việc thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ của các bên đương sự cung cấp, lời bào chữa cựu luật sư là kết quả tranh tụng. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt của thẩm phán Hội đồng xử phải làm.
“Không thể nhầm lẫn tòa thu thập chứng cứ để xử mà tòa chỉ thẩm tra, xác minh chứng cứ của các bên đưa ra có đúng hay không. Đây là trách nhiệm thẩm tra tòa phải làm”, ông Phong nói.
Trong khi đó, một số ý kiến khác như của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lại chưa đồng tình vì chưa phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam hiện nay.
Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, cho biết tòa án các nước không quy định nhiệm vụ này giao cho tòa.
“Chúng ta đang phải đối mặt rất nhiều các vụ kiện quốc tế, nếu như chúng ta không tự thu thập chứng cứ để bảo vệ mình thì Tòa án quốc tế sẽ xử chúng ta thua. Việc này đề cao trách nhiệm tự vệ của bên bị kiện và việc chứng minh quyền thắng kiện, chứng cứ thu thập là của bên đi kiện”- ông Bình nói và cho rằng không phải đi kiện xong là giao cho Tòa án cứ thế làm.
Chánh án Tôi cao cũng đặt vấn đề: “Tại sao quốc tế người ta làm như vậy, người ta yêu cầu Tòa án phải đứng thẳng như thế này. Chúng tôi thu thập chứng cứ có lợi cho bên nguyên thì bên bị kiện là ông đã nghiêng về nguyên, chúng tôi thu thập chứng cứ có lợi cho bên bị thì bên bị kiện lại các ông ủng hộ bên bị. Nhân dân chờ đợi phán quyết công tâm, khách quan, công bằng, không phải chờ đợi việc thu thập chứng cứ, thu thập xong thì xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ các chứng cứ của các bên khác”.
Về lo ngại các tổ chức cá nhân không cung cấp chứng cứ cho người dân, nhất là người yếu thế của các vị đại biểu, Chánh án Tối cao cho biết có thể tiếp thu ý kiến là Tòa án không phải chỉ hỗ trợ người yếu thế nữa.
“Khi có yêu cầu của người dân, kể cả bên nguyên, cả bên bị, không thể thu thập chứng cứ thì chúng tôi hỗ trợ người dân bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân,… nếu các bên yêu cầu thì thẩm phán sẽ ra lệnh như vậy”, ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Cũng theo ông, nếu ai không chấp hành yêu cầu của toà án thì tòa án sẽ xử phạt theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Nêu thực tiễn việc toà án có thể thu thập chứng cứ được hay không, Chánh án tối cao cho biết: “Một năm chúng tôi giải quyết 600.000 vụ án, bây giờ chỉ có 6.000 thẩm phán, người đâu mà đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án”.
Do đó, TAND Tối cao sẽ tiếp thu việc hỗ trợ các bên đương sự bằng lệnh yêu cầu cung cấp chứng cứ của toà án.