Nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành đề xuất đổi tên gọi toà án

(PLO)- Thảo luận tổ, có 42 ý kiến đại biểu Quốc hội không tán thành với đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo nghị trình, chiều nay (22-11), Quốc hội (QH) sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (TAND) sửa đổi, sau khi các đại biểu đã thảo luận tổ vào chiều ngày 9-11.

Theo báo cáo của Tổng Thư ký QH, tại 19 Tổ đại biểu QH, đã có 119 lượt ý kiến đại biểu QH phát biểu về các nội dung của dự án Luật.

Đổi tên gọi toà án nhưng không đổi chức năng là không hợp lý?

Liên quan đến đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, có 42 ý kiến đại biểu QH không tán thành.

Theo các đại biểu này, việc đổi tên như trên nhưng không thay đổi chức năng, nhiệm vụ, phạm vi thẩm quyền theo địa lý là không hợp lý. Đồng thời, việc đổi tên sẽ dẫn tới phát sinh nhiều chi phí tuân thủ.

Bên cạnh đó, việc đổi tên dẫn đến không tương thích với các cơ quan khác như Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, ... ở địa phương. Kèm theo những thay đổi về tên gọi cũng đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp và các nguồn lực kèm theo để thực hiện.

Tuy nhiên, cũng có 15 ý kiến tán thành việc đổi tên TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử.

Nhóm đại biểu này đánh giá, việc đổi mới tổ chức tòa án của cấp huyện, cấp tỉnh là thể chế hóa Nghị quyết 27 về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Dẫn thêm căn cứ, các đại biểu cho biết lịch sử hình thành tòa án của chúng ta về tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm có từ thời Bác Hồ (năm 1946) và đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946, chứ không phải bây giờ mới đặt ra.

Việc đổi mới này không phải đơn thuần là thay đổi tên mà là một bước tiến lớn và phù hợp với tinh thần hội nhập quốc tế về tư pháp, phù hợp với truyền thống pháp lý của chúng ta.

Đối với câu hỏi “Sẽ ra sao khi TAND phúc thẩm lại xử án sơ thẩm (như TAND TP.HCM vẫn xử án sơ thẩm)?”, một số đại biểu cho rằng hiện nay, tòa án cấp phúc thẩm vẫn còn xét xử sơ thẩm một số vụ án, nhưng trong tương lai tòa án cấp sơ thẩm xét xử mọi vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia chứ không phải là quyền tài phán của huyện, của tỉnh.

Ngoài ra, việc đổi mới sẽ khắc phục tình trạng quan hệ giữa cấp tòa án là quan hệ hành chính; không ảnh hưởng đến các quan hệ tố tụng, cơ quan tố tụng, không làm thay đổi, phát sinh tổ chức, bộ máy, biên chế. Việc đổi mới này mang lại lợi ích to lớn, lâu dài hơn so với việc tính toán đến chi phí thực hiện.

đổi tên gọi toà án
Đoàn ĐBQH TP.HCM thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi chiều 9-11.

Bên cạnh phần đông các ý kiến nêu trên, có ý kiến cho rằng, nếu chỉ đổi tên thì không bảo đảm việc đổi mới theo Nghị quyết 27. Hay có ý kiến cho rằng, trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau thì đề nghị UBTVQH xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu.

Đề xuất thành lập toà án sơ thẩm chuyên biệt

Đối với đề xuất thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt, nhiều ý kiến đại biểu tán thành bởi việc thành lập tòa án chuyên biệt phù hợp với chủ trương, định hướng xây dựng Tòa án chuyên nghiệp; chuyên môn hóa công tác Tòa án trong lĩnh vực án đặc thù có chuyên môn sâu; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập về tư pháp quốc tế.

Trong đó, một số đại biểu đề nghị quy định rõ trong luật các Tòa án chuyên biệt cụ thể (để phù hợp với quy định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013), trên cơ sở Luật này thì luật tố tụng mới quy định được. UBTVQH chỉ quy định về việc đặt tòa án chuyên biệt tại địa hạt tư pháp nào, không quy định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt cụ thể.

Cũng có ý kiến đề nghị quy định tòa án chuyên biệt trong cơ cấu tổ chức TAND để phù hợp Điều 102 Hiến pháp năm 2013 nhưng chưa quy định Tòa án chuyên biệt cụ thể. Việc thành lập Tòa án chuyên biệt cụ thể thì cần phải lập đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền và trình UBTVQH quyết định….

Trong số các đại biểu cho ý kiến về nội dung này, có 2 ý kiến không tán thành với việc thành lập tòa án chuyên biệt bởi vì việc thành lập Tòa án chuyên biệt không phù hợp, các Tòa án cấp huyện hiện nay vẫn có thể xét xử các loại án này.

“Việc thành lập tòa án chuyên biệt sẽ dẫn tới việc làm tăng bộ máy; cần làm rõ Tòa án chuyên biệt có gì khác tòa án chuyên trách hiện nay hay không”, báo cáo của Tổng Thư ký QH nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm