GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TAND:

Đề xuất tòa không thu thập chứng cứ, chỉ hỗ trợ người yếu thế

(PLO)- Theo TAND Tối cao, trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ để tôn trọng nguyên tắc tranh tụng và “việc dân sự cốt ở đôi bên”; tuy nhiên, tòa sẽ hỗ trợ người yếu thế trong xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội (dự thảo 3).

Tại dự thảo, TAND Tối cao đề xuất điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Theo Luật Tổ chức TAND 2014, tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng. Dẫn chiếu tới Luật Tố tụng hành chính 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc xét thấy cần thiết thì tòa án sẽ thu thập chứng cứ (TTCC) để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án.

TAND tỉnh Bình Dương xét xử một vụ án hành chính. Ảnh: LÊ ÁNH
TAND tỉnh Bình Dương xét xử một vụ án hành chính. Ảnh: LÊ ÁNH

Tuy nhiên, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã quy định trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa án không có nghĩa vụ TTCC. Tòa án sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho tòa án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Dự thảo cũng quy định các cơ quan, tổ chức cá nhân có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định cho đương sự khi có yêu cầu.

Giảm tải công việc cho tòa án

Tòa án phải xét xử rất nhiều vụ án và khối lượng công việc rất lớn nên với dự thảo này, khối lượng công việc của tòa án sẽ được giảm tải. Thay vì phải đi xác minh và chờ kết quả, tòa án sẽ có thời gian để tập trung đánh giá chứng cứ do các bên cung cấp; đảm bảo được tính công bằng, khách quan; tránh trường hợp tòa án thiên vị mà TTCC nghiêng về một phía.

Luật sư NGUYỄN CHÍ THIỆN,

Đoàn Luật sư TP.HCM

Lý giải cho đề xuất trên, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tòa TTCC có lợi cho nguyên đơn thì lệch về bên nguyên đơn; tòa TTCC có lợi cho bên bị đơn thì lệch về bên bị đơn. Vì vậy, không cho tòa TTCC để bảo đảm khách quan. Mặt khác, theo Chánh án TAND Tối cao, nếu tòa TTCC, sau đó xét xử trên cơ sở chính chứng cứ tòa thu thập, bỏ quên các chứng cứ khác thì không được.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng đề xuất tại dự thảo giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của đương sự ngay từ khi tham gia các giao dịch, quan hệ cho tới khi xảy ra tranh chấp, nâng cao trách nhiệm của người đi kiện đối với các yêu cầu của mình. Đồng thời, giúp minh bạch trách nhiệm của đương sự và tòa án, tránh việc ỷ lại của đương sự khi giao trách nhiệm TTCC cho tòa án.

Tuy nhiên, TS Tiến cũng nêu thực tế là hầu hết vụ việc sau khi tòa án yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình thì đương sự thường sẽ làm văn bản đề nghị tòa án thu thập “thay” (quyền của đương sự theo quy định hiện nay). Nguyên nhân xuất phát từ việc cơ quan, tổ chức đang lưu giữ hồ sơ thường không cung cấp hoặc cung cấp chứng cứ không có giá trị (ghi chỉ tham khảo) vì cho rằng đây chỉ là yêu cầu của người dân và để tránh bị bên còn lại khiếu nại.

Do đó, TS Tiến cho rằng cần phải đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho đương sự. “Điều 84 Luật Tố tụng hành chính và Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ dừng lại ở việc quy định nghĩa vụ cung cấp, chứ chưa có quy định về việc xử lý hành vi hành chính trong trường hợp không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể và có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ nếu từ chối cung cấp. Mặt khác, giữa các cơ quan liên quan nên có văn bản liên tịch quy định về nghĩa vụ cung cấp và trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra vì không cung cấp. Có như vậy, việc thu thập mới nhanh chóng và hiệu quả” - TS Tiến góp ý.

Chỉ hỗ trợ người yếu thế là chưa công bằng?

Theo dự thảo, tòa án sẽ hướng dẫn, yêu cầu đương sự TTCC và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Riêng đương sự là người yếu thế trong xã hội thì tòa sẽ hỗ trợ TTCC theo quy định.

Từ đây, câu hỏi được đặt ra: Ai là người yếu thế trong xã hội để được tòa án hỗ trợ khi mà hiện nay chưa có một định nghĩa nào trong các văn bản quy phạm?

Trao đổi với PV, luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng hiện nay theo quy định của BLDS, người yếu thế có thể hiểu là “người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự”. Những người này là người yếu thế khi xác lập các mối quan hệ, vì họ có thể không đủ tỉnh táo hoặc không đủ khả năng để xác lập một quan hệ có yếu tố bình đẳng và đúng với ý chí chủ quan của mình. Tuy nhiên, khi tham gia tố tụng, họ sẽ có người đại diện, người giám hộ.

Về việc tòa án thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự

Liên quan đến việc TTCC trong vụ án hình sự, dự thảo mới quy định tòa án không có nghĩa vụ TTCC. Và hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng trao quyền trong trường hợp tòa án đã yêu cầu VKS bổ sung chứng cứ nhưng VKS không bổ sung được thì tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.

ThS Nguyễn Đức Hiếu, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng quy định như hiện nay là hợp lý bởi người tham gia tố tụng hình sự luôn có mong muốn chính đáng là được nhiều bên hỗ trợ TTCC chứng minh một cách hợp pháp trong vụ việc của mình.

Tòa án TTCC trong vụ án hình sự là quy định nhân văn và không ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan của tòa án. Khi tòa TTCC vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp của chứng cứ đó. Tính vô tư của tòa được thể hiện thông qua việc đánh giá chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Luật sư Phát cho rằng nếu đặt ra quy định về hỗ trợ người yếu thế thì cần có hướng dẫn cụ thể đối tượng để khi triển khai sẽ có sự thống nhất trong việc áp dụng.

Dù vậy, theo luật sư Phát, dù là người không yếu thế hay người yếu thế, nếu họ không tự thu thập được chứng cứ thì họ được quyền đề nghị tòa TTCC. “Nếu quy định tòa án chỉ hỗ trợ người yếu thế TTCC sẽ thu hẹp phạm vi của người được tòa án hỗ trợ” - luật sư Phát nói.

Cùng vấn đề, TS - luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cho rằng quy định tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội TTCC là không cần thiết. Bởi thực tế có nhiều vụ án đương sự nói chung, không riêng gì người yếu thế gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình TTCC, nếu quy định như vậy sẽ tạo ra sự thiếu công bằng, bình đẳng cho các đương sự không phải là người yếu thế.

Cần cân nhắc khi bỏ quy định tòa thu thập chứng cứ

Sáng 7-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì và điều hành phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì và điều hành phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Theo cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của TAND Tối cao về việc tòa án không có nghĩa vụ (trách nhiệm) thu thập chứng cứ (TTCC).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc bỏ nhiệm vụ TTCC của tòa án trong hoạt động xét xử cần được cân nhắc vì liên quan đến mô hình tố tụng của nước ta và có thể ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Khác với mô hình tố tụng tranh tụng của một số nước, Luật Tổ chức TAND 2014 và các luật tố tụng hiện hành tiếp tục xác định vai trò tích cực, chủ động của tòa án trong hoạt động TTCC ở mức độ nhất định. Trong đó, Luật Tổ chức TAND quy định nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án TTCC theo quy định của luật tố tụng; các luật tố tụng đều có quy định thẩm quyền TTCC trong hoạt động xét xử trong một số trường hợp, điều kiện nhất định. Trong bối cảnh số vụ việc do tòa án giải quyết có sự tham gia của luật sư còn thấp (chỉ chiếm 8,15%); đương sự khởi kiện vụ án hành chính nhưng tài liệu, chứng cứ do cơ quan nhà nước lưu giữ, việc TTCC rất khó khăn..., quy định tòa án TTCC đã góp phần bảo đảm chất lượng xét xử, giảm oan sai.

Vì vậy, nhóm ý kiến này không nhất trí sửa đổi luật theo hướng tòa án không có trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm