Nhiều băn khoăn của lãnh đạo các tòa tại TP.HCM về việc thu thập chứng cứ

(PLO)- Lý do nào sẽ được xem là “lý do chính đáng” và lý do nào không được xem là lý do chính đáng thì BLTTDS không giải thích rõ; có thể dẫn đến sự tùy tiện, thiếu công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (22-8), TAND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Sương (Phó Chánh án TAND TP Thủ Đức) trình bày tham luận đánh giá về những quy định chung của BLTTDS 2015.

Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Phó Chánh án TAND TP Thủ Đức) đang trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: YC

Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Phó Chánh án TAND TP Thủ Đức) đang trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: YC

Theo bà Sương, quy định về giao nộp, thu thập chứng cứ tại khoản 1 Điều 96 BLTTDS cho thấy nếu xét thấy chứng cứ đã giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Khi đã có yêu cầu của thẩm phán nhưng đương sự không giao nộp hoặc không giao nộp đầy đủ chứng cứ mà không có lý do chính đáng thì tòa án sẽ giải quyết vụ việc dựa trên những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Vấn đề đặt ra là lý do nào sẽ được tòa án xem là “lý do chính đáng” và lý do nào không được xem là lý do chính đáng thì BLTTDS không giải thích rõ, dẫn đến việc xem xét lý do có chính đáng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của thẩm phán. Điều này có thể dẫn đến sự tùy tiện, thiếu minh bạch, công bằng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

Vì vậy, theo bà Sương, cần quy định rõ những lý do nào được xem là lý do chính đáng hoặc đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để một lý do được xem là lý do chính đáng.

Cũng theo bà Sương, hiện nay, nguyên nhân chính khiến thời hạn giải quyết bị kéo dài là do chờ cơ quan có thẩm quyền cung cấp chứng cứ. Nhất là các vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai và các vụ án ủy thác thu thập chứng cứ, tống đạt văn bản tố tụng ở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố của tòa án đang thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLTTDS trong thời gian qua cho thấy các tồn tại này vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

BLTTDS đã có quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ và phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự của các tổ chức, cá nhân liên quan và cũng có quy định xử lý trách nhiệm không hoặc chậm cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ. Nhưng thực tiễn thi hành các quy định này chưa đạt hiệu quả cao, tác động đến tiến độ, chất lượng thu thập thông tin, tài liệu chứng cứ, ảnh hưởng đến kết quả chứng minh; đáp ứng không tốt yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng trong tố tụng dân sự.

Theo bà Sương, đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều bản án bị hủy, bị sửa, nhiều vụ án phải xét xử nhiều lần, nhiều năm. Do đó, theo bà Sương cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan khác để có giải pháp mạnh, hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc liên quan, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thu thập chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Cũng bàn về việc thu thập chứng cứ, ông Phạm Tuấn Anh (Chánh án TAND quận Bình Thạnh) cho rằng trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền Điều 7 BLTTDS 2015 đã quy định.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc cung cấp của các cơ quan này thường chậm, hoặc không trả lời; gây rất nhiều khó khăn cho việc thu thập chứng cứ, ảnh hưởng tiến độ giải quyết án.

Mặc dù, khoản 3 Điều 106 BLTTDS 2015 đã quy định trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể việc chế tài nếu vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm