Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự: Tranh luận về định giá, chứng cứ

Ngày 14-12, TAND TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự với sự tham gia của đại diện nhiều đơn vị và thẩm phán của 24 tòa quận, huyện. Hội thảo đã tập trung mổ xẻ những vấn đề liên quan đến định giá, chứng cứ…

Dự thảo sửa đổi quy định tòa án thành lập hội đồng thẩm định giá với cơ quan tài chính là chủ tịch hội đồng, các cơ quan chuyên môn là thành viên.

Sở Tài chính chỉ nên định giá tài sản công?

Ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Sở Tài chính TP.HCM, cho rằng cơ quan tài chính không thể là chủ tịch hội đồng được. Theo ông Tuấn, chỉ nội một chuyện nhân sự cũng đã không đảm bảo: “Hiện Sở Tài chính TP chỉ có hai người có chuyên môn về định giá trong tố tụng, nếu một ngày có sáu, bảy tòa quận, huyện yêu cầu Sở chủ trì định giá thì làm sao xuể”.

Ông Tuấn đề nghị cứ giữ nguyên quy định cũ là tòa tự chọn ai là chủ tịch hội đồng. Sở Tài chính là cơ quan tài chính công nên luật chỉ nên quy định cho Sở định giá những tài sản công, còn tranh chấp cá nhân thì nên thuê công ty ngoài. Với tranh chấp cá nhân, Sở định giá sẽ tạo ra mâu thuẫn với người dân vì nếu giá đưa ra được lòng nguyên đơn thì bị đơn phản ứng và ngược lại.

Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự: Tranh luận về định giá, chứng cứ ảnh 1

Việc tòa có nên tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu như dự thảo hay không đang gây nhiều tranh cãi.Trong ảnh: Làm thủ tục công chứng tại văn phòng công chứng tư. Ảnh minh họa: HTD

Tuy nhiên, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND TP Phan Thanh Tùng lại nhận định sửa đổi theo hướng của dự thảo là tiến bộ. Bởi lẽ trong điều luật sửa đổi cũng cho đương sự quyền nếu không đồng ý với hội đồng lúc đầu thì có quyền yêu cầu tòa thành lập hội đồng khác. Lúc đó, họ có thể chọn công ty định giá ngoài nên cơ quan tài chính không phải lo quá tải. Đại diện VKSND TP cũng đồng tình rằng sửa theo hướng dự thảo là hợp lý.

Tòa có nên tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu?

Phó Chánh án TAND TP Hà Thúy Yến cho biết chuyện tòa có nên tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu như dự thảo hay không đang gây tranh cãi trong nội bộ ngành tòa án TP.

Theo một thẩm phán TAND quận 1, quy định tòa được tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu là chưa ổn. Khi một trong hai bên đương sự yêu cầu hủy hợp đồng công chứng thì đương sự khiếu nại và thẩm quyền giải quyết thuộc các cơ quan công chứng. Hơn nữa, yêu cầu tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu là vụ chứ không phải việc dân sự, tòa không thể coi như vụ án dân sự thông thường được.

Ngược lại, một thẩm phán TAND quận 3 cho rằng hiện đã có nhiều văn phòng công chứng tư ra đời, tương lai có nhiều tranh chấp liên quan đến các hợp đồng nên sửa đổi như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, luật phải quy định cả phòng công chứng và văn phòng công chứng chứ như hiện nay thì thiếu mất văn phòng công chứng.

Giữ nguyên quy định về VKS

Về vai trò của VKS trong phiên tòa dân sự, Trưởng phòng Kiểm sát xét xử án dân sự VKSND TP Lê Thị Hoa nói nên giữ quy định hiện nay. Không nhất thiết VKS phải tham gia 100% vì thực tế VKS vẫn làm tốt nhiệm vụ kiểm sát xét xử. Thậm chí, nhiều vụ nếu tòa chuyển hồ sơ sang VKS nhanh, kịp thời thì chất lượng kiểm sát còn tốt hơn nữa. Bà Hoa nhận định án bị hủy, sửa là do nhiều nguyên nhân chứ không phải là do VKS có tham gia tại phiên tòa sơ thẩm hay không.

Đồng tình, thẩm phán Phan Thanh Tùng cho rằng chưa có một thống kê chuyên môn chính thức nào cho thấy khi có VKS tham gia thì tòa xử tốt hơn, án bị hủy, sửa ít hơn. Một thẩm phán khác phân tích thêm: Việc hòa giải trong án dân sự là quan trọng nên bắt buộc VKS tham gia 100% là không cần thiết. Ngoài ra, nó cũng phù hợp với thủ tục xử rút gọn các vụ án, nhiều khi có kiểm sát viên chỉ thêm rề rà. Cạnh đó, VKS là cơ quan nhà nước, khi phát biểu quan điểm dễ tạo ra tâm lý ức chế cho đương sự. Chưa kể, khi ấy ngành kiểm sát lại phải tăng biên chế, ngân sách không cần thiết.

Không hủy án sơ thẩm vì thiếu chứng cứ?

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật phải có quy định cụ thể về việc thu thập, giao nộp chứng cứ của đương sự. Các cơ quan lưu giữ chứng cứ không cung cấp cho tòa hoặc không có văn bản trả lời cũng phải bị chế tài.

Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP Nguyễn Công Phú còn đề xuất bỏ luôn quy định về chuyện cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm do thiếu chứng cứ. Ông lý giải: Nguyên tắc là đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa thì họ cung cấp tới đâu, tòa xử tới đó, cớ gì tòa phúc thẩm dựa vào đó để hủy án. “Luật đang quá dễ dãi với đương sự làm cho vụ án kéo dài một cách không cần thiết” - ông Phú nhấn mạnh.

Không cần phải cấp giấy chứng nhận cho luật sư

Dự thảo quy định người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự phải tham gia theo giấy triệu tập của tòa là chưa hợp lý. Thứ nhất, nó thêm đầu việc cho tòa. thứ hai, luật sư được quyền tham gia theo yêu cầu của đương sự chứ không phải tham gia theo ý tòa. Là vụ việc dân sự nên không cần phải cấp giấy chứng nhận cho luật sư như hình sự.

Thẩm phán NGUYỄN CÔNG PHÚ,
Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM

Tòa chậm chuyển hồ sơ

Hiện có khoảng 2/3 lượng hồ sơ tòa chuyển cho VKS chậm, không đúng thời hạn quy định. Cho nên nhiều khi VKS nhận được án sơ thẩm thì tòa phúc thẩm đã xử xong rồi.

Kiểm sát viên LÊ THỊ HOA, Trưởng phòng Kiểm sát xét xử án
dân sự, VKSND TP.HCM

Không bắt tòa phôtô hồ sơ

Tôi không đồng ý khi dự thảo quy định việc tòa án phải sao chụp, chuyển giao chứng cứ cho đương sự và VKS. Tòa không thể có đủ người để phôtô tài liệu giao cho các bên, hiện chỉ mỗi việc cung cấp cho luật sư là cũng đủ mệt rồi. Trước khi xử, VKS phải có trách nhiệm nên phải tự xây dựng hồ sơ cho mình.

Một thẩm phán TAND quận 1, TP.HCM

Đương sự phải tự thu thập chứng cứ

Ở nước ngoài, tòa giao khoán việc thu thập chứng cứ cho các đương sự, còn ở ta thì thẩm phán phải xác minh và thu thập chứng cứ là chưa ổn.

Đại diện Hội Luật gia TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm