Việc điều động ông Trương Tấn Sơn từ TP.HCM về Long An là theo quy trình của Đảng

(PLO)- Ở góc độ hành chính, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được điều động công chức thuộc phạm vi quản lý đến bất kỳ cơ quan, đơn vị nào trong phạm vi của địa phương; vậy theo quy định của Đảng thì quy định này ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có quyết định điều động ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình (là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý), đến nhận công tác tại Tỉnh ủy Long An.

Nhiều bạn đọc thắc mắc về quy trình điều động công chức từ địa phương này sang địa phương khác được thực hiện ra sao.

truong-tan-son-ve-long-an-8398.jpg
Ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, TP.HCM về nhận công tác tại Tỉnh ủy Long An. Ảnh: H.DU

Trao đổi với PLO, một giảng viên về Luật Hành chính cho biết: Theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền điều động các nhân sự dưới quyền như chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện... tới bất kỳ cơ quan nào trong phạm vi của địa phương căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.

Tuy nhiên, thẩm quyền đó chỉ được thực hiện trong phạm vi địa giới hành chính thuộc phạm vi quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh/TP.

Vị giảng viên này cũng nói thêm dù đó là nguyện vọng cá nhân của người được điều động thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng chỉ được điều động trong phạm vi địa giới hành chính quản lý.

Liên quan đến việc điều động cán bộ, trong Quy định 80/2022 của Bộ Chính trị có đề cập đến việc điều động công chức giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Theo đó, trường hợp cán bộ, công chức đang giữ chức danh thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý thì việc điều động sẽ do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định và giao UBND cấp tỉnh ra quyết định.

Về quy trình, cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ tiến hành quy trình ba bước.

Đầu tiên, cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận cán bộ dự kiến điều động.

Tiếp theo, phải trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác về chủ trương điều động. Người được giới thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập, trường hợp số phiếu đạt tỉ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu xem xét, quyết định.

Đồng thời, lấy đánh giá, nhận xét của địa phương, cơ quan, đơn vị và hồ sơ nhân sự theo quy định. Ngoài ra, phải gặp cán bộ để trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Bước cuối cùng là chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự và lập tờ trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng yêu cầu điều động nhưng địa phương, cơ quan, đơn vị (nơi cán bộ công tác hoặc nơi tiếp nhận cán bộ) hoặc cán bộ còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ tổng hợp, báo cáo đầy đủ các ý kiến và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm