Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo kết quả thực hiện việc giám sát hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn các tỉnh phía Nam.
Theo đó, 23 tỉnh, thành khu vực phía Nam tiến hành chi trên 19.551 tỉ đồng để hỗ trợ cho 18 triệu đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Riêng tại TP.HCM tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động lên đến trên 10.990 tỉ đồng, trong đó chính sách tiền mặt trên 9.397 tỉ đồng.
Ngoài ra, TP.HCM cũng tiến hành hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động tự do theo ba đợt cho gần 7,5 triệu người, với tổng kinh phí lên đến gần 9.000 tỉ đồng.
Người dân nhận hàng hỗ trợ. Ảnh minh họa
Tổ công tác của Bộ LĐ-TB&XH đánh giá việc triển khai hỗ trợ người dân và bảo đảm an sinh giai đoạn đầu của dịch COVID-19 chưa toàn diện, chỉ tập trung cho các hộ nghèo, cận nghèo mà chưa quan tâm đến những người lao động tự do mất việc làm, người lang thang, cơ nhỡ, người thiếu ăn, đứt bữa. Cách thức tổ chức hỗ trợ chưa khoa học và bài bản dẫn đến có nơi thừa, nơi thiếu.
Một số địa bàn, cán bộ chưa nhận thức được trách nhiệm, chưa nắm rõ chủ trương chính sách nên tổ chức thực hiện hỗ trợ gây bức xúc cho người dân. Một số địa phương do ít chịu tác động, ảnh hưởng của dịch đã xuất hiện tâm lý chủ quan, chưa khẩn trương trong việc triển khai chính sách hỗ trợ đối với người dân, người lao động và doanh nghiệp.
“Ngoài ra, có địa phương do hạn chế về ngân sách nên chưa mạnh dạn rà soát kỹ các đối tượng cần hỗ trợ, trợ giúp dẫn đến còn sót, lọt nhiều đối tượng...”- tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận.
Trên cơ sở đó, tổ công tác cho rằng thời gian tới cần tiếp tục triển khai các chính sách đảm bảo an sinh cho người dân. Theo dõi và nắm bắt tình hình lao động, việc làm để kịp thời đưa ra các chính sách ổn định cung, cầu lao động góp phần tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.