Việc quản lý môi giới bất động sản còn bỏ ngỏ

(PLO)- Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

“Thực tế hiện nay dù có các quy định xử phạt, việc quản lý hoạt động môi giới vẫn bị bỏ ngỏ. Môi giới bất động sản vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui” - báo cáo mới đây của VARS cho hay.

Môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề
Hoạt động môi giới càng chuyên nghiệp thị trường bất động sản sẽ càng phát triển thuận lợi. Ảnh: Q.HUY

Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 100.000 cá nhân môi giới đang hoạt động, làm việc chính thức tại các tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Trong đó, chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề.

Còn lại hàng trăm ngàn, thậm chí triệu người vào thời điểm thị trường BĐS “sốt nóng”, tham gia kết nối thực hiện giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, hầu hết họ là các cá nhân hành nghề tự do, tay ngang, nghề tay trái, không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào.

Trước thực trạng đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực chính thức từ ngày 1-1-2025, có nhiều điểm mới theo hướng siết chặt hoạt động môi giới bất động sản.

Cụ thể, Điều 61 luật này quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một DN kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

“Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân không được hành nghề môi giới bất động sản tự do như hiện nay (khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh BĐS 2014 cho phép cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập)” - VARS phân tích.

Ngoài ra, Điều 48 Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi yêu cầu chủ đầu tư dự án, DN kinh doanh bất động sản, DN kinh doanh dịch vụ bất động sản nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh BĐS, hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

“Như vậy, đối với môi giới hoạt động trong các công ty bất động sản, mọi thù lao, hoa hồng môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng. Việc giao dịch qua tài khoản cũng đồng thời giúp Nhà nước chống thất thu thuế khi khoản hoa hồng của lực lượng này là rất lớn. Tuy nhiên, những quy định trên cũng đặt ra thách thức trong việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự đối với các sàn giao dịch bất động sản. Đồng thời cũng là những yêu cầu khắt khe hơn đối với lực lượng môi giới” - báo cáo VARS nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm