Môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề

(PLO)- Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề và phải làm trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS 2023. Trong đó có nội dung đề xuất về trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

Quy định tại Điều 61 Luật Kinh doanh BĐS mới nêu rõ cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải đáp ứng các điều kiện như có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS.

Môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề
Còn nhiều tranh cãi xung quanh việc quy định người môi giới phải làm việc trong sàn hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bất động sản. Ảnh: Q.HUY

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS, dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ tư vấn BĐS, dịch vụ quản lý BĐS.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Asian Holding, quy định người làm môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề là cần thiết. Khi đó, cá nhân làm môi giới sẽ phải có hiểu biết căn bản về Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai, Luật Nhà ở…, quy trình thủ tục pháp lý ra sao. Khi đó, nhân viên môi giới sẽ nhận thức được trách nhiệm khi tư vấn bán hàng, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và lợi ích của chủ đầu tư. Nhân viên môi giới có chứng chỉ hành nghề là được đào tạo bài bản và hoạt động có tổ chức, không hành nghề tự do, tự phát sẽ góp phần giúp ổn định thị trường.

Môi giới đôi khi phải chịu sự chi phối từ chủ đầu tư. Do đó, gốc rễ vấn đề vẫn là quản lý được chủ đầu tư các dự án. Chủ đầu tư nào làm sai, chưa được cấp phép đã mở bán hoặc nhận tiền nhưng không giao đất… thì cần phải xử phạt, thậm chí phạt tù để răn đe.

Ông NGUYỄN QUỐC BẢO, Chủ tịch
Câu lạc bộ BĐS TP.HCM (HREC)

“Nhìn lại những năm qua, những vụ sốt đất, thổi giá thì thấy phần nào hậu quả của việc bất cứ ai cũng có thể làm môi giới BĐS. Nhiều người hoạt động tự do chỉ cốt bán được hàng, họ tìm mọi cách đẩy giá, khi khách đặt cọc là họ lấy hoa hồng, các thủ tục tiếp theo ra sao khách hàng tự chịu” - ông Hậu nói.

Hiện nay, điều kiện thành lập sàn giao dịch BĐS chỉ cần có ít nhất hai nhân sự có chứng chỉ hành nghề môi giới, không quy định về năng lực tài chính… Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Giám đốc phụ trách một sàn giao dịch tại TP.HCM, cho hay từ quy định quá dễ dàng nên có những sàn giao dịch tuyển cả sinh viên, người làm tự do, thậm chí tuyển dụng cộng tác viên, đào tạo qua loa rồi giao nhiệm vụ. Từ đó dẫn đến tình trạng nhân viên môi giới không có kiến thức pháp luật, tư vấn sai quy định, sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.

“Nhân viên môi giới có chứng chỉ hành nghề sẽ có nhận thức pháp luật tốt hơn. Nếu thấy chủ đầu tư làm sai quy định, dự án chưa được cấp phép, bán trái phép thì họ sẽ từ chối làm. Những sàn giao dịch, mua bán trái phép, thậm chí vẽ dự án “ma” như Alibaba cũng sẽ không còn đất sống” - ông Quốc nói.

Chỉ còn khoảng 100.000 môi giới đang hành nghề

Thông tin từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs), trong năm 2023 có nhiều doanh nghiệp và nhà môi giới đã phải rời bỏ ngành nghề do tác động tiêu cực từ thị trường. Thống kê của VARs chỉ ra có đến 70% người môi giới chuyển nghề hoặc rời bỏ ngành trong thời gian gần đây. Trước đó, số lượng môi giới hoạt động trong lĩnh vực BĐS đạt khoảng 300.000 người. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 100.000 người tiếp tục hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm