Viện kiểm sát 4 lần yêu cầu đổi tội danh, công an đều từ chối

Ngày 11-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Cam Ranh (Khánh Hòa) có kết luận điều tra bổ sung vụ án cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra tại phường Cam Lợi, TP Cam Ranh. Đây là lần thứ 10 vụ án này phải điều tra bổ sung, tính từ tháng 8-2018 đến nay và đây là lần thứ tư VKSND TP Cam Ranh yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP đổi tội danh vụ án.

10 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Trước đó, ngày 11-6, VKSND TP Cam Ranh có quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Tại quyết định này, VKS yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, thay đổi Quyết định khởi tố bị can số 96 ngày 7-9-2017 đối với bị can Nguyễn Thị Kim Phương để khởi tố tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng quá trình điều tra cho thấy chưa đủ căn cứ để ra các quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với bị can Phương để khởi tố về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Về nội dung vụ án, CQĐT không bổ sung gì thêm và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND cùng cấp để giải quyết, xử lý theo thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thị Kim Phương trao đổi về chỗ khung cửa mà bà sửa chữa.
Ảnh: TẤN LỘC

Vụ án này, ngày 16-4-2018, TAND TP Cam Ranh trả hồ sơ cho VKS cùng cấp, yêu cầu điều tra hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân đối với bà Phương. Tuy nhiên, VKS trả lời không có căn cứ để truy cứu tội xâm phạm chỗ ở của công dân. Tháng 8-2018, TAND TP Cam Ranh mở phiên tòa xét xử, tiếp tục trả hồ sơ, yêu cầu phải lấy lời khai của ông Lê Định vì trong hồ sơ không có bất kỳ lời khai nào của ông này tại CQĐT.

Từ thời điểm đó, hồ sơ vụ án bị trả đi trả lại rất nhiều lần giữa VKSND TP Cam Ranh với CQĐT cùng cấp. Đến nay, vụ án này đã có 10 bản kết luận điều tra bổ sung nhưng vẫn chưa thể đưa ra xét xử trở lại.

Điều khó hiểu là có những nội dung yêu cầu điều tra bổ sung và kết luận điều tra bổ sung cứ lặp đi lặp lại liên tục. VKS bốn lần trả hồ sơ yêu cầu CQĐT thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can từ tội cố ý làm hư hỏng tài sản sang tội xâm phạm chỗ ở của công dân. Tuy nhiên, cả bốn bản kết luận điều tra bổ sung của CQĐT đều cho là chưa có căn cứ để thay đổi tội danh.

Những lần khác, quyết định trả hồ sơ của VKSND TP Cam Ranh yêu cầu điều tra bổ sung nhiều vấn đề liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, sau đó, các bản kết luận điều tra bổ sung đều có nội dung giống nhau là “quá trình điều tra vụ án, CQĐT đã thu thập đủ tài liệu chứng minh, làm rõ các nội dung nêu trên”.

Bị khởi tố vì sửa nhà đã mua

Theo hồ sơ, năm 2003 ông Lê Định (quê TP Cam Ranh, quốc tịch Nhật Bản) được cha mẹ có di chúc giao phần trước ngôi nhà tại 2361 Hùng Vương, phường Cam Lợi, TP Cam Ranh để thờ cúng ông bà.

Tháng 2-2012, ông Định vay của bà Lê Thị Liêng (ngụ phường Cam Lợi) 900 triệu đồng. Trong giấy vay mượn tiền, ông Định cam kết nếu ông không trả được số tiền này, bà Liêng có quyền sử dụng phần tài sản theo di chúc thừa kế mà cha mẹ ông để lại. Đến ngày 12-4-2013, ông Định làm thủ tục ủy quyền cho bà Liêng được quản lý, sử dụng (nhưng không được thế chấp) căn nhà trên.

Tháng 6-2015, ông Lê Định lập giấy sang nhượng căn nhà và đất ở tại 2361 Hùng Vương với giá 700 triệu đồng cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Phương (cùng ngụ phường Cam Lợi).

Đến tháng 5-2017, gia đình bà Phương thuê nhân công đến sửa chữa lại căn nhà. Cụ thể, xây kín lại hai cửa bên hông nhà, đập bỏ vách ngăn tường xây nhà vệ sinh, sơn mới lại, đào đất lên để làm hầm rút nhà vệ sinh…

Bà Liêng gửi đơn tố cáo bà Phương xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, hủy hoại tài sản của bà. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Cam Ranh kết luận các phần bị đập phá, sửa chữa làm thay đổi nguyên trạng căn nhà có giá trị 10 triệu đồng.

Đến tháng 9-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP Cam Ranh khởi tố bà Phương tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Ngày 5-2-2018, VKSND TP ban hành cáo trạng đầu tiên truy tố bà Phương về tội danh trên.

Quá trình điều tra vụ án, tháng 10-2017, CQĐT ra thông báo truy tìm ông Lê Định. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan tố tụng TP Cam Ranh vẫn chưa liên lạc được với ông này.

Xác định không đúng chủ sở hữu tài sản?

CQĐT cho rằng việc bà Phương thuê người đến đập phá, sửa chữa, chiếm nhà đất tại 2361 Hùng Vương là trái pháp luật. Lý do là bà Liêng đã được quyền quản lý sử dụng phần nhà trước theo giấy ủy quyền lập ngày 12-4-2013. Trong khi đó, giấy ủy quyền trên được lập khi ông Lê Định chưa có quyền sử dụng căn nhà do tài sản thừa kế này đang bị tranh chấp.

Cụ thể, ngày 12-11-2012, TAND tỉnh đã thụ lý vụ án dân sự tranh chấp tài sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông Định và bị đơn là chị ruột của ông này cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều là anh chị em trong gia đình. Tháng 8-2013, TAND tỉnh xử sơ thẩm vụ tranh chấp này. Tháng 2-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng mới xử phúc thẩm. Đến tháng 11-2014, ông Định mới được giao căn nhà trên.

Luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, phân tích: “Giấy ủy quyền của ông Định lập ngày 12-4-2013 giao bà Liêng quản lý, sử dụng căn nhà là vô hiệu do thời điểm đó ông này chưa có quyền quản lý căn nhà. Thời điểm đó, tài sản này đang bị tranh chấp, TAND tỉnh đã thụ lý nhưng chưa giải quyết. Ông Định chưa có quyền sử dụng căn nhà này nên không được ủy quyền cho người khác”.

CQĐT cũng dẫn bản án dân sự sơ thẩm ngày 21-4-2017 của TAND tỉnh để cho rằng bà Liêng có quyền quản lý, sử dụng căn nhà tại 2361 Hùng Vương. Tuy nhiên, bản án này có sau khi ông Định đã lập giấy sang nhượng nhà và đất ở 2361 Hùng Vương cho vợ chồng bà Phương và sau khi bà Phương thuê người sửa chữa căn nhà.

LS Nguyễn Hồng Hà cho rằng CQĐT xác định không đúng chủ sở hữu tài sản. “Qua nghiên cứu vụ án, tôi nhận thấy bà Phương không hề có hành vi phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản hay tội xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính sai lầm trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc tòa án, VKS trả hồ sơ nhiều lần, không xét xử được, vi phạm tố tụng kéo dài. Do đó, cần đình chỉ vụ án, khôi phục danh dự, bồi thường thiệt hại cho người bị oan” - LS Hà nói.

Mua nhà nhưng phải đi ở nhờ

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, bà Nguyễn Thị Kim Phương liên tục kêu oan, cho rằng bà chỉ sửa chữa căn nhà mà bà đã mua chứ không hề có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.

Dù đã mua nhà nhưng hiện nay vợ chồng bà Phương cùng đứa con bị thiểu năng trí tuệ vẫn phải ở nhờ nhà cha mẹ bà. Cho rằng căn nhà đang tranh chấp, bà Phương đang bị khởi tố, chính quyền địa phương không xác nhận nên các công ty không cấp điện, nước cho gia đình bà.

“Tôi sửa chữa căn nhà đã mua mà lại khởi tố, bị CQĐT triệu tập làm việc liên tục. Từ khi bị khởi tố, cuộc sống, công việc gia đình tôi bị đảo lộn, bị ảnh hưởng rất lớn vì tôi bị hạn chế quyền công dân. Suốt hơn ba năm rưỡi qua, gia đình tôi phải sống trong đau khổ!” - bà Phương bức xúc. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.