Ngày 13-1, VKSND Cấp cao tại TP.HCM (Viện Cấp cao 3) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2020. Tại hội nghị, ông Hồ Sỹ Hoàn, Viện trưởng Viện Hình sự Viện Cấp cao 3, đặc biệt nhấn mạnh tới việc làm sao để VKS thuận lợi rút hồ sơ từ tòa án để nghiên cứu giám đốc thẩm và tái thẩm.
Phải nhắc nhiều lần mới chuyển
Ông Hồ Sỹ Hoàn nêu: “Trong thời gian qua, việc rút hồ sơ là rất khó cho Viện Cấp cao 3 kể cả VKSND Tối cao. Tôi đưa VKSND Tối cao vào là vì Viện Hình sự xét xử có trái quan điểm với Tòa Cấp cao thì đều báo cáo về Hà Nội để xem xét trình tự giám đốc thẩm. Thế nhưng theo Vụ 7 (VKSND Tối cao - PV) thông báo cho Viện Cấp cao 3 là có tới bảy vụ VKSND Tối cao không nhận được hồ sơ, dù đã có công văn nhưng TAND Cấp cao 3 không chuyển. Vậy giải quyết vấn đề này như thế nào?”.
Ông Hoàn đề xuất VKSND Tối cao nên làm văn bản chỉ đạo VKSND Cấp cao 3 sang trực tiếp bên tòa mượn bảy hồ sơ này để chuyển ra Hà Nội xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. “Bây giờ Vụ 7 trả lời do Tòa án Cấp cao 3 không chuyển hồ sơ ra Hà Nội, thời hạn kháng nghị theo trình tự kháng nghị giám đốc thẩm bất lợi cho người bị kết án đã hết nên không kháng nghị giám đốc thẩm. Đây là vấn đề vướng mắc, cần phải có giải pháp. Vấn đề đặt ra là mối quan hệ giữa tòa và viện để giải quyết đơn đúng hạn luật định” - ông Hoàn nhấn mạnh.
Tương tự, nhiều vụ án do cấp huyện và cấp tỉnh xét xử, Viện Cấp cao 3 làm văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ nhưng hai, ba lần tòa án huyện hoặc tòa án tỉnh mới chuyển. Việc này ảnh hưởng dẫn đến kéo dài thời hạn về giải quyết đơn. Theo ông Hoàn, trong trường hợp này cần có quy định chung, VKS có thể gửi cả văn bản về VKS địa phương để nhờ VKS địa phương sang tác động tòa để họ gửi hồ sơ lên VKSND Cấp cao giải quyết đơn theo đúng thẩm quyền và đúng hạn luật định.
Theo ông Hồ Sỹ Hoàn, cần để VKS cấp dưới sang tòa tác động gửi hồ sơ cho VKS cấp trên. Ảnh: NGÂN NGA
Tòa tuyên vô tội, viện kháng nghị có tội
Ông Hồ Sỹ Hoàn nhắc tới hai vụ án được tòa tuyên không phạm tội nhưng VKS đã kháng nghị. Thứ nhất, vụ Lê Văn Thi bị VKSND huyện Thuận An (Bình Dương) truy tố về tội buôn bán trái phép chất ma túy nhưng cả TAND huyện này và tòa tỉnh Bình Dương đều tuyên không phạm tội.
Nghiên cứu hồ sơ, Viện Cấp cao 3 cho rằng tòa hai cấp đánh giá chứng cứ chưa phù hợp. Do đó, Viện Cấp cao 3 đã kháng nghị giám đốc thẩm và đã được TAND Cấp cao 3 chấp nhận hủy án để điều tra, xét xử lại. Sau đó, ngày 30-8-2019, bị cáo Thi đã bị tòa xét xử lại tuyên phạt tám năm ba tháng tù. “Đây là thắng lợi lớn của ngành VKSND Cấp cao trong việc đảm bảo không bỏ lọt tội phạm. Đó là một điểm nhấn trong năm 2019” - ông Hoàn nói.
Thẩm phán Võ Văn Cường, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM, đồng tình: “Vụ án Lê Văn Thi quan điểm của tôi hoàn toàn ủng hộ kháng nghị của Viện Cấp cao 3. Mặc dù trong ủy ban thẩm phán có tranh luận rất nhiều nhưng việc xét xử của cấp dưới như vậy là không ổn. Cuối cùng ủy ban thẩm phán chấp nhận kháng nghị, sau đó tòa xử lại và tuyên bị cáo đã có tội. Đây là một thành công”.
Vụ án thứ hai mà ông Hoàn dẫn chứng là vụ Nguyễn Văn Út bị VKSND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) truy tố về tội cố ý gây thương tích. Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm của tỉnh Sóc Trăng đều tuyên Út không phạm tội. Viện Cấp cao 3 đã đánh giá về mặt chứng cứ thì phát hiện có nhiều thiếu sót, quá trình điều tra không khách quan, toàn diện và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Ngay sau đó, Viện Cấp cao 3 đã kháng nghị giám đốc thẩm và được tòa cùng cấp chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy cả hai bản án để điều tra lại. “Vụ án này có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm mà Viện Cấp cao 3 đã có thông báo vào năm 2019. Vụ án tương đối phức tạp nên tôi có đề nghị tỉnh rút hồ sơ về điều tra, lý do quá trình thực nghiệm điều tra huyện không đảm bảo tính khách quan, toàn diện” - ông Hoàn nêu.
Thẩm phán Võ Văn Cường cho rằng Viện Cấp cao 3 có nêu một số bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xử không đúng pháp luật, đây là vấn đề rất nghiêm trọng. “Có vụ án nào mà VKS quan điểm thế này nhưng tòa xử thế khác, sau đó cấp trên đã hủy thì chúng tôi lấy đó làm cơ sở nói bản án đó xử không đúng do chủ quan. Từ đó chúng tôi có cơ sở kiểm điểm trách nhiệm của thẩm phán hoặc qua đó lấy làm bài học rút kinh nghiệm…” - ông Cường nói.
Không ngồi chờ địa phương báo cáo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng nếu để xảy ra oan sai thì trách nhiệm đầu tiên là cấp phúc thẩm vì án giám đốc thẩm không nhiều. Ông Tiến cũng lưu ý qua thông tin báo chí phản ánh những vụ việc được dư luận quan tâm, Viện Cấp cao 3 nên chủ động phối hợp với địa phương để nắm bắt. Có như vậy mới đạt được hiệu quả công việc, chứ không nhất thiết là chờ cấp địa phương báo cáo lên. |