Viện sĩ Đỗ Văn Đại: Nên có án lệ về thời điểm xác định thiệt hại

Ngày 6-5 vừa qua, tôi cũng đã xây dựng Quyết định giám đốc 14/2019/HS-GĐT của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thành một dự thảo án lệ.

Sự cần thiết của án lệ

Với tư cách thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ, tôi đã gửi dự thảo cho TAND Tối cao. TAND Tối cao đã lên kế hoạch thẩm định dự thảo này nhưng hiện đã tạm dừng việc thẩm định.

Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP (kế thừa nghị quyết trước đây) của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xác định “án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể”.

Một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Trong bài hôm qua, LS-TS Phan Trung Hoài trích một đoạn trong quyết định dự kiến phát triển thành án lệ: “Khoa học pháp lý và pháp luật hình sự đều quy định (…). Trong vụ án này tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của vụ án là bảy tài sản đã mua/thuê trái phép, đang bị kê biên là đầy đủ, đúng bản chất vụ án và giá trị của nó được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật”.

Đây cũng là nội dung mà tôi đã đề xuất đưa vào “nội dung án lệ” trong dự thảo gửi TAND Tối cao. Tôi đồng tình với LS-TS Phan Trung Hoài rằng hướng giải quyết trong đoạn trích trên “là hoàn toàn đúng pháp luật, có căn cứ cả về mặt khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử”.

Tuy nhiên, phần kiến nghị của LS-TS Phan Trung Hoài chưa làm rõ sự khác biệt trong mục đích án lệ là để xử lý khía cạnh hình sự hay để xử lý khía cạnh dân sự dù hai vấn đề này có thể cùng tồn tại trong một vụ án hình sự.

 

Số báo hôm qua, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Đề xuất án lệ về thời điểm xác định thiệt hại trong án hình sự” của LS-TS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. LS Hoài đề xuất xem xét, coi Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là một án lệ về vấn đề thời điểm xác định thiệt hại trong án hình sự. Đây là một nội dung thường gây tranh cãi tại tòa án cũng như trong học thuật.

Trên số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu bài viết của PGS-TS-Viện sĩ Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ, về vấn đề này.

Cần xác định án lệ phục vụ cho mục đích nào

Trong một vụ án hình sự, vấn đề xác định giá trị thiệt hại (tức quy đổi thiệt hại thành tiền) có hai mục đích mà rất thường xuyên bị nhầm lẫn và do đó việc phát triển án lệ về vấn đề này là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không xác định rõ phạm vi của án lệ thì án lệ sẽ tạo ra bất cập. Cụ thể:

Mục đích thứ nhất: Để xử lý các vấn đề ở góc độ hình sự. Chẳng hạn, theo Điều 356 BLHS năm 2015, “người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm” (khoản 1).

Ở đây, việc xác định mức độ thiệt hại (nếu là thiệt hại về tài sản là xác định giá trị tài sản) có mục đích để xử lý khía cạnh hình sự, cần thiết để định danh tội (với hình phạt về hình sự tương ứng).

Mục đích thứ hai: Xử lý các vấn đề ở góc độ dân sự. Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 48 BLHS, “người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.

Ở đây, khi áp dụng quy định vừa nêu trong vụ án hình sự, tòa phải xác định thiệt hại và mức độ thiệt hại (giá trị thiệt hại) để xác định mức trách nhiệm dân sự. Việc xác định giá trị thiệt hại trong khuôn khổ của Điều 48 BLHS không để xử lý khía cạnh hình sự mà để xử lý khía cạnh dân sự.

Làm rõ phạm vi áp dụng của án lệ

Hiện nay, hai mục đích nêu trên thường bị nhầm lẫn nên cần làm rõ sự khác biệt này. Xác định giá trị thiệt hại để xử lý khía cạnh hình sự và xác định thiệt hại để xử lý khía cạnh dân sự là hai vấn đề khác nhau dù có thể cùng tồn tại trong một vụ án hình sự. Thực tế, tòa có thể tách vấn đề bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự) ra khỏi vụ án hình sự để xử lý riêng theo thủ tục dân sự.

Việc xác định giá trị thiệt hại để xử lý khía cạnh hình sự cần dựa vào các thông tin (như giá trị của tài sản trên thị trường) có ở thời điểm phạm tội để biết mức thiệt hại gây ra xứng với tội danh nào.

Nhận định trong quyết định giám đốc thẩm dự kiến phát triển thành án lệ là hoàn toàn thuyết phục vì đã khẳng định “giá trị của” tài sản là đối tượng bị phạm tội “được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội”.

Tuy nhiên, giá trị thiệt hại để xác định mức độ trách nhiệm dân sự (để ấn định khoản tiền bồi thường) lại phải được xác định ở thời điểm giải quyết bồi thường để khoản tiền bồi thường có thể đủ để mua được tài sản tương tự.

Do đó, nếu muốn phát triển quyết định giám đốc thẩm trên thành án lệ, cần làm rõ phạm vi áp dụng của án lệ. Cụ thể, hướng của án lệ chỉ để xử lý các vấn đề ở góc độ hình sự, không áp dụng cho các vấn đề ở khía cạnh dân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm