Viện trưởng VKSND Tối cao vừa ban hành quy định về quy trình kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính của tòa án.
Theo đó, khi nhận được bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính do tòa án chuyển đến, trường hợp VKS tham gia phiên tòa, công chức kiểm sát thời hạn gửi, thời hạn ban hành, căn cứ, thẩm quyền ban hành, nội dung, hình thức của bản án, quyết định thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị (nếu cần thiết).
Trường hợp phát hiện bản án, quyết định có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, công chức báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo VKS để xem xét kháng nghị, kiến nghị theo thẩm quyền.
Đối với vi phạm ít nghiêm trọng, công chức đề xuất lãnh đạo VKS thực hiện quyền kiến nghị tòa án khắc phục vi phạm đối với vụ án cụ thể hoặc tổng hợp vi phạm để ban hành kiến nghị chung.
Đối với vi phạm nghiêm trọng, công chức đề xuất lãnh đạo VKS thực hiện quyền kháng nghị như sau:
Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm nghiêm trọng mà còn trong thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp thì công chức kịp thời báo cáo lãnh đạo viện xem xét kháng nghị phúc thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm nghiêm trọng mà đã hết thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp thì công chức đề xuất viện trưởng VKS cấp của mình kịp thời báo cáo lãnh đạo VKS cấp trên trực tiếp xem xét kháng nghị phúc thẩm theo thẩm quyền.
Trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có căn cứ kháng nghị thì công chức đề xuất với lãnh đạo VKS cấp của mình kịp thời thông báo cho viện trưởng VKS cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thì VKS đã phát hiện phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật…
Trường hợp VKS không tham gia phiên tòa, công chức thực hiện các bước theo quy trình chung nhưng có thể yêu cầu tòa án chuyển hồ sơ vụ án để kiểm sát, xem xét việc kháng nghị nếu thấy cần thiết.