Viện Tối cao hướng dẫn các tội liên quan COVID-19

Ngày 20-4, VKSND Tối cao ban hành Văn bản số 1557/VKSTC-V1 hướng dẫn các điều 347, 348 và 349 BLHS để áp dụng thống nhất pháp luật. Theo VKSND Tối cao, việc áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm liên quan đến các điều luật trên chưa thống nhất.
Phân biệt xuất cảnh trái phép và trốn đi nước ngoài
VKSND Tối cao hướng dẫn phân biệt hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS) và hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài (Điều 349 BLHS).
Theo đó, hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. 
Ví dụ, A được trả tiền để dẫn ba người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc.

TAND tỉnh An Giang xét xử ba bị cáo về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép vào ngày 22-4. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Còn hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài là tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Người trốn đi nước ngoài chủ yếu nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ...) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài. 
Ví dụ, C đưa D đi Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp nên đã làm thủ tục (lập công ty, làm hồ sơ để D là nhân viên công ty, làm visa...) để D đi Hàn Quốc và ở lại lao động bất hợp pháp.
Về tình tiết đã bị xử phạt hành chính, Điều 347 BLHS quy định ba hành vi phạm tội độc lập (xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép) nên tình tiết đã bị xử phạt hành chính về hành vi này được hiểu là đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương ứng.
Về việc xử lý trong trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội, Điều 348 BLHS quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau (tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép). Trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội độc lập mà mỗi hành vi đều cấu thành một tội độc lập thì xử lý về nhiều tội. 
Ví dụ, A tổ chức cho B xuất cảnh trái phép, sau đó A lại tổ chức cho B nhập cảnh trái phép thì bị xử lý về hai tội.
Còn nếu người phạm tội có mục đích cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam (hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép) thì xem xét, xử lý về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. 
Ví dụ, C cho E ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho E nhập cảnh trái phép để E ở lại Việt Nam thì C chỉ bị xử lý về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Phân biệt nhập cảnh trái phép và ở lại trái phép
Về việc đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam, nếu người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép nhưng vì vụ lợi đã thỏa thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam thì xử lý về tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép với vai trò đồng phạm. 
Ví dụ, A biết B sẽ tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn để vào TP.HCM nhưng vì vụ lợi vẫn giúp B đưa người nước ngoài từ Lạng Sơn vào TP.HCM. Trường hợp này A bị xử lý về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép với vai trò đồng phạm.
Còn đối với trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm thì xem xét xử lý về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. 
Ví dụ, C hành nghề lái ô tô dịch vụ, biết rõ một số người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đang có nhu cầu đi từ khu vực biên giới vào TP Hà Nội để tìm việc làm. Vì vụ lợi, C đồng ý chở những người này và bị bắt giữ trên đường. Trường hợp này xem xét, xử lý C về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.

 TAND Tối cao từng hướng dẫn xét xử các tội liên quan COVID-19

Trước đó, ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có công văn hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đây là hướng dẫn được đánh giá là rất kịp thời trong bối cảnh nhiều hành vi vi phạm pháp luật phát sinh khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát, nhất là chuyện phát tán các thông tin sai sự thật trên mạng.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Đó là các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Theo hướng dẫn, người chưa bị xác định mắc bệnh COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.