Hoàn thiện pháp lý phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 21-1, Trường ĐH Văn Lang tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Hoàn thiện khung pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam”. TS Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT, cùng nhiều chuyên gia pháp luật, các giảng viên của nhiều trường ĐH tham dự hội thảo.

Nam tiếp viên hàng không (trái) bị khởi tố về tội làm lây lan dịch
bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Ảnh: CACC

Kịp thời bổ sung biện pháp hành chính

Thiếu tướng, PGS-TS Phan Xuân Tuy, Hiệu trưởng Trường ĐH An ninh, cho rằng vấn đề pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19 phải nằm trong một khung tổng thể. Trong lĩnh vực pháp luật, khi dịch xuất hiện đã làm cho chỉ số an toàn xã hội phải thay đổi, chống dịch như chống giặc và như chống những thông tin giả trong an ninh. Theo ông Tuy, một trong những vấn đề cần hoàn thiện khung pháp lý là ổn định chính trị, kinh tế - xã hội…

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng hợp tác quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội, hậu quả nghiêm trọng của đại dịch là minh chứng cho tính cần thiết trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch. Việc xử lý vi phạm, các biện pháp phòng ngừa hành chính như cách ly y tế, kiểm soát ra vào vùng có dịch, tạm đình chỉ hoạt động tụ tập đông người… về cơ bản không gặp vướng mắc lớn về pháp lý.

Trường hợp bệnh nhân 1.342 là nam tiếp viên hàng không đã vi phạm quy định về cách ly y tế và để bệnh dịch lây lan. Việc này được cho là có quy định riêng về chế độ cách ly cho các hãng hàng không được quy định trong Công văn 3951 ngày 24-7-2020 của Ban chỉ đạo quốc gia. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ việc, một số địa phương đã đề xuất bỏ quy định riêng này để kiểm soát tốt hơn.

Thực tế thời gian qua có rất nhiều cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng và tung tin sai sự thật về dịch COVID-19. Nghị định 117/2020 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế) cũng kịp thời bổ sung những vi phạm bị xử phạt. Trước đó, những vi phạm này muốn áp dụng xử lý phải tuân theo quy định của những nghị định liên quan.

Theo ông Quang, dịch bệnh để lại hậu quả rất lớn nên cần sửa đổi, bổ sung chế tài về xử phạt hành chính theo hướng quy định rõ những hành vi cụ thể để tránh tùy tiện trong áp dụng. Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy định về các biện pháp cưỡng chế hành chính cũng phải tiến hành đồng bộ, phù hợp với các quy định khác liên quan.

PGS-TS Nguyễn Thị Quế Anh, Trưởng Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét những thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, có một số biện pháp chế tài áp dụng gây ra sự tranh luận nhất định, do đó việc sớm sửa đổi các căn cứ pháp lý để đạt sự đồng thuận cao trong xử lý.

Xử pháp nhân tội làm lây lan dịch bệnh?

Về biện pháp xử lý hình sự trong phòng, chống dịch, TS Vũ Thị Thúy, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Văn Lang, phân tích dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 BLHS).

Theo đó, khoản 1 Điều 240 BLHS quy định: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật… có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; b) Đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật... bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

Hai điểm (a) và (b) khác nhau về hành vi (đưa ra hoặc cho phép đưa ra/đưa vào hoặc cho phép đưa vào) và phạm vi không gian (vùng có dịch/lãnh thổ Việt Nam); giống nhau về trung gian truyền bệnh (động vật, thực vật, sản phẩm động vật…). Tuy nhiên, tại điểm (a) quy định cụm từ “vật phẩm khác” và “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”, trong khi điểm (b) lại quy định “bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm”, dẫn đến hai quy định này không thống nhất và thiếu logic với nhau.

Đối với điểm c khoản 1 Điều 240 quy định “hành vi khác làm lây lan bệnh dịch nguy hiểm cho người” thì có hướng dẫn của TAND Tối cao tại Công văn 45 (về xét xử liên quan đến tội phạm phòng, chống dịch bệnh COVID-19).

Theo đó, hành vi khác làm lây lan dịch bệnh là: Người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng dịch; đã được thông báo cách ly nhưng trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly, từ chối, trốn tránh, cưỡng chế, không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ.

Bà Thúy kiến nghị: Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người xâm phạm đến an toàn về tính mạng, sức khỏe của con người nên phải thuộc nhóm tội về an toàn công cộng. Cạnh đó, cần quy định thống nhất về các vật trung gian gây truyền nhiễm và bổ sung pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm này.

Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch

Theo tôi, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Khi dịch bùng phát mạnh, mỗi ngày có hơn 1.000 tin, bài phản ánh về bệnh dịch trong cả nước.

Cạnh kênh phổ biến như họp báo, báo in, loa truyền thanh, nhiều nơi đã tận dụng triệt để ưu thế truyền thông 4.0 kịp thời đưa ra những ứng dụng công nghệ (app) để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch và khai báo y tế.

Hình thức khác là sáng tác bài hát, thơ, vè... cũng đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch. Tại quận Đống Đa (TP Hà Nội), cán bộ các phường đã thực hiện 4.885 lượt tuyên truyền bằng hình thức phát thanh lưu động. Các xe máy, xe kéo đi đến từng ngõ ngách để tuyên truyền và phát huy tác dụng như thời chiến tranh.

Ở huyện Như Thanh (Thanh Hóa), các xe tuyên truyền lưu động còn gắn các panô để phổ biến các văn bản hướng dẫn khai báo y tế… Nhiều xã đã thành lập các đội tuyên truyền di động khiến người dân trực tiếp và nhanh chóng lan tỏa các biện pháp phòng, chống dịch.

Công tác tuyên truyền cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế và cơ quan hành chính các cấp và các cơ quan, đơn vị cần lựa chọn những hình thức có hiệu quả triển khai trên diện rộng.

PGS-TS NGUYỄN TẤT VIỄN, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm