Việt kiều hai quốc tịch làm việc trong nước có cần giấy phép?

VKSND Tối cao vừa có thông báo đến các VKS cấp dưới tham khảo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp hợp đồng lao động giữa bà DBN (Việt kiều Mỹ, SN 1983) và Công ty cổ phần Giải trí LP (có trụ sở ở quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Theo hồ sơ vụ việc, từ tháng 3-2014, hai bên ký các hợp đồng lao động thời hạn ba tháng. Đến tháng 9-2014, hai bên ký tiếp hợp đồng có thời hạn kéo dài sáu tháng. Chức danh chuyên môn của bà N. là giám đốc phát triển kinh doanh. Đến tháng 3-2015, Công ty LP chấm dứt hợp đồng lao động với bà N. với lý do là vị trí công việc không còn do dự án đã kết thúc.

Hai tháng sau bà N. khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM buộc Công ty LP phải nhận bà trở lại làm việc và bồi thường các khoản tiền theo quy định là gần 995 triệu đồng. Trong trường hợp Công ty LP không nhận bà trở lại làm việc thì số tiền bồi thường phải là hơn 1,25 tỉ đồng...

Xử sơ thẩm hồi cuối năm 2015, TAND TP.HCM đã bác toàn bộ yêu cầu của bà N. Tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty LP, tuyên bố ba hợp đồng lao động đã ký là vô hiệu toàn bộ. Đồng thời bà N. có trách nhiệm liên hệ cơ quan thuế truy đóng các khoản thuế thu nhập cá nhân do công ty trả theo mức lương 88 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính đối với Công ty LP và bà N. Lý do là công ty ký kết hợp đồng lao động với bà N. (người nước ngoài) khi chưa có văn bản chấp thuận của chủ tịch UBND TP.HCM và khi bà N. chưa được cấp giấy phép lao động.

Sau đó bà N. kháng cáo nhưng xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác toàn bộ kháng cáo của bà và tuyên y án sơ thẩm.

Bà N. làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng 7-2019, chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về TAND TP.HCM xét xử lại. Kháng nghị này đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm chấp nhận. Hiện nay TAND TP.HCM đã thụ lý lại vụ kiện nhưng chưa mở phiên tòa sơ thẩm lần hai.

Theo thông báo rút kinh nghiệm của VKSND Tối cao, bà N. là Việt kiều định cư tại Mỹ, có hai hộ chiếu mang hai quốc tịch Mỹ và Việt Nam. Theo Luật Quốc tịch, do bà N. có hộ chiếu mang quốc tịch Việt Nam nên là công dân Việt Nam. Việc ký hợp đồng lao động dựa trên thông tin hộ chiếu này.

Mặt khác, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM từng có văn bản trả lời bà N. là trường hợp bà dùng hộ chiếu Việt Nam thì không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 169 Bộ luật Lao động. Vì thế bà không cần phải có giấy phép lao động. Việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm cho rằng bà N. bắt buộc phải có giấy phép lao động theo Điều 169 Bộ luật Lao động nhưng không có nên các hợp đồng lao động vô hiệu do vi phạm chủ thể ký kết là không đúng.

Về lý do chấm dứt hợp đồng lao động, VKSND Tối cao cho rằng hợp đồng thứ ba giữa hai bên là hợp đồng không xác định thời hạn nhưng công ty lấy lý do hợp đồng đã hết hạn để chấm dứt là không đúng quy định. Sau đó công ty lại đổi lý do chấm dứt hợp đồng lao động là do công việc bà N. đảm nhiệm trong dự án đã chấm dứt (từ tháng 3-2014 đến tháng 2-2015). Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã không làm rõ việc bà N. có phải là giám đốc phát triển kinh doanh của dự án hay không, không có mô tả công việc bà phải làm. Như vậy chưa có đủ cơ sở để kết luận rằng bà được giao nhiệm vụ giám đốc phát triển kinh doanh là công việc thường xuyên, cũng như chưa đủ cơ sở để kết luận lý do chấm dứt hợp đồng lao động do dự án đã chấm dứt là có căn cứ hay không.

Cạnh đó, theo VKSND Tối cao, phản tố của phía Công ty LP buộc bà N. phải thanh toán thuế thu nhập còn thiếu là không đúng. Cơ quan thuế cũng không có yêu cầu gì đối với bà N. nhưng tòa hai cấp sơ, phúc thẩm vẫn chấp nhận thụ lý, giải quyết và tuyên buộc bà chịu án phí phần này là không đúng với quy định tại Điều 176 BLTTDS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm