Việt - Mỹ: 25 năm vượt qua rào cản, xây dựng lòng tin

Ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam (VN) Võ Văn Kiệt đã thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (thuộc Liên Hợp Quốc), nhận định: Suốt 25 năm qua, quan hệ VN - Mỹ đã đạt được những thành tựu ngoài mong đợi.

Từ cựu thù thành đối tác tin cậy

. Phóng viên: Trong 25 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ Mỹ - VN đã đạt những thành tựu đáng chú ý nào trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao?

+ Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: Hai nước đã vượt qua quá khứ, từ cựu thù trở thành đối tác tin cậy. Thành tựu mà VN và Mỹ đã đạt được rất toàn diện, từ chính trị, an ninh, kinh tế, nhân đạo tới giáo dục, bảo vệ môi trường và cả hỗ trợ y tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Thành tựu lớn nhất giữa hai nước là xây dựng quan hệ song phương trên cơ sở các nguyên tắc của luật quốc tế, tôn trọng chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, con đường phát triển đặc thù của mỗi bên.

Từ năm 2000 đến nay, các đời tổng thống Mỹ đều đến thăm VN. Năm 2016 và 2017, VN liên tiếp đón hai tổng thống Mỹ có chuyến thăm chính thức, góp phần nâng cao lòng tin và hợp tác hai nước. Hai nước phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi VN là thành viên không thường trực và trong khuôn khổ ASEAN +, APEC khi VN là chủ tịch ASEAN.

Tuyên bố về Tầm nhìn chung hai nước ký nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng ngày 10-7-2015 khẳng định: “Tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Sau đó, Tổng thống Barack Obama đến VN vào tháng 5-2016 đã tuyên bố: “Giờ đây, hợp tác giữa Mỹ và VN dựa trên những chân lý cơ bản. VN là một nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt hoặc quyết định số phận thay cho VN”. Qua đó, có thể khẳng định thành quả và phương hướng hợp tác tiếp theo của hai nước trong thời gian tới.

Nhiều thành tựu hợp tác kinh tế, an ninh

. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng thì sao, thưa ông?

+ VN đã trở thành đối tác chính trong các vấn đề an ninh quốc tế lớn. Điển hình, Mỹ tin tưởng đề nghị VN làm chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, sau rất nhiều năm, tàu sân bay Mỹ (bao gồm Carl Vinson năm 2018 và Theodore Roosevelt năm 2020) lần đầu cập cảng thăm VN. Đây là biểu tượng của sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Ngoài ra, VN được mời tham dự cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và đồng minh trong khu vực. Mỹ dành nguồn lực đáng kể để giúp VN phát triển năng lực quân sự, đặc biệt là năng lực cảnh sát biển. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm VN ba lần và bộ trưởng Quốc phòng VN cũng nhiều lần thăm Mỹ. Hai nước phối hợp tốt trong trao đổi kinh nghiệm xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

. Kinh tế có phải là một trụ cột trong quan hệ song phương?

+ Chắc chắn kinh tế cũng là một mũi nhọn hợp tác hai nước. Việc ký Hiệp định thương mại song phương (BTA, năm 2000) đã tạo điều kiện để Mỹ cấp cho VN quy chế tối huệ quốc (thương mại bình thường - NTR, năm 2001) và quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR, năm 2006).

Trong đó, BTA là sân tập dượt cho các doanh nghiệp VN bước ra biển lớn khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa VN và EU, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Từ trao đổi thương mại 500 triệu USD năm 2001 khi BTA có hiệu lực, tới nay giá trị thương mại song phương đã đạt mức hơn 75 tỉ USD mỗi năm.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink tham gia chương trình tàu sân bay Theodore Roosevelt đến thăm Đà Nẵng hồi tháng 3-2020. Ảnh: TỔNG LÃNH SỰ QUÁN MỸ TẠI TP.HCM

Vượt qua sự nghi kỵ

. Thách thức trong hòa giải Mỹ - VN hiện nay còn lại là những vấn đề nào?

+ Mối quan hệ đối tác Mỹ - VN đã vượt qua rào cản khó khăn nhất là sự nghi kỵ, thiếu lòng tin với nhau. Trong những năm tới, VN và Mỹ phải tập trung vào tương lai, củng cố hợp tác trong các lĩnh vực y tế, bảo vệ môi trường, khắc phục các hậu quả chất độc màu da cam, an ninh mạng, giáo dục, năng lượng và quốc phòng.

Mỹ cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản, điều chỉnh chính sách xuất khẩu vũ khí sát thương và dịch vụ quốc phòng để củng cố khả năng an ninh hàng hải. Qua đó, Mỹ có thể góp phần giúp VN bảo vệ vùng biển của mình, đồng nghĩa với việc đảm bảo sự ổn định khu vực - điều có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ.

Hai nước cũng cần tiến tới công nhận quy chế thị trường cho nhau để thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương. Các rào cản kỹ thuật đối với xuất khẩu của VN cần phải dỡ bỏ. Hiệp định BTA nên được đàm phán, ký kết lại cho phù hợp với các điều kiện hiện nay. Hai nước cũng còn những vấn đề khác biệt về dân chủ, quyền con người và tôn giáo. Bài học về tôn trọng lợi ích chung, xây dựng lòng tin, tăng cường đối thoại và nói thẳng, nói thật với nhau về những khác biệt giữa hai nước trong 25 năm qua chính là chìa khóa để vượt qua những thách thức này.

. Đại sứ Mỹ tại VN Daniel Kritenbrink mới đây nhấn mạnh với báo chí VN rằng Mỹ và VN cần nhất là tiếp tục xây dựng lòng tin. Như vậy, việc xây dựng lòng tin vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo?

+ Đúng vậy, lòng tin luôn là vấn đề rất quan trọng. VN và Mỹ đã khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, có mối quan hệ đối tác và quan hệ bạn bè tốt. Thành quả này không thể có được nếu không có lòng tin và tầm nhìn từ hai phía. Ví dụ, chính sự chân thành, minh bạch trong tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA) của VN đã xóa tan những ngờ vực, mặc cảm từ phía Mỹ. Việc Washington mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, bỏ qua những rào cản chính trị ngoại giao, đã làm những lo ngại từ phía VN giảm đáng kể.

Điều mà hai nước hướng tới hiện nay là hợp tác. Muốn vậy, hai bên phải tin nhau và việc xây dựng lòng tin phải diễn ra liên tục, xuyên suốt bởi vì mỗi giai đoạn lại xuất hiện những vấn đề mới, yêu cầu mới cho cả hai.

Bình thường hóa quan hệ có lợi cho cả Mỹ

Bình thường hóa quan hệ là có lợi cho cả hai phía. Nhờ bình thường hóa, VN có thể hội nhập, tham gia tích cực vào đời sống chính trị thế giới, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Với Mỹ, bình thường hóa quan hệ với VN là vì lợi ích của Mỹ, làm cho người Mỹ không còn bị chia rẽ và cũng là để hàn gắn vết thương của chính người Mỹ.

Đại sứ NGUYỄN HỒNG THAO 

Thúc đẩy an ninh, thịnh vượng Thái Bình Dương

. Đâu là những lĩnh vực mà VN và Mỹ nên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới nhằm đảm bảo thúc đẩy quan hệ song phương phát triển và an ninh - hòa bình tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

+ VN và Mỹ có cùng quyền lợi bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do bay và hòa bình, ổn định trong Biển Đông. Lượng hàng hóa thương mại qua Biển Đông có lưu lượng hơn 5.000 tỉ USD/năm. Biển Đông nối liền hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nên có vai trò quan trọng trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Vì vậy, hợp tác an ninh quốc phòng sẽ là một trong những trọng tâm mà cả Mỹ và VN đều hướng tới dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Cả hai nước đều có lợi ích khi tăng cường sức mạnh trên biển, bảo vệ môi trường biển, chống cướp biển, chống các hành động đe dọa, khiêu khích hay bất kỳ âm mưu thiết lập các vùng nhận diện phòng không, vùng biển không phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Mỹ có kinh nghiệm xây dựng và điều hành lực lượng cảnh sát biển. Vì vậy, Mỹ có thể giúp VN nâng tầm lực lượng này. Cả hai quốc gia có thể cùng nhau đảm bảo cho việc thực thi các quyền tự do biển cả của các nước trong và ngoài khu vực theo UNCLOS.

. Xin cám ơn ông.

Chính sách “bốn không, một cùng” của Việt Nam

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, VN rút kinh nghiệm từ quá khứ và đang triển khai chính sách quốc phòng “bốn không, một cùng”. Bốn không là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ VN để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Một cùng là tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, VN sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm