Phát biểu với báo chí sau buổi hội đàm, ông Carter cho hay theo sau quyết định của Mỹ năm ngoái cho phép dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, hai nước đã cam kết đẩy mạnh thương mại, quốc phòng. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đào tạo nhân viên cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho Việt Nam một số trang bị cho lực lượng này; hợp tác về lĩnh vực quân y, cũng như tham vấn cơ chế quốc phòng giữa các nước ASEAN, ASEAN mở rộng. Cụ thể, theo ông Carter, Mỹ sẽ cung cấp một gói 18 triệu USD cho cảnh sát biển Việt Nam để mua sắm một số tàu tuần tra.
“Mỹ cam kết ủng hộ một đất nước Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng, tôn trọng quyền con người và quy định của luật pháp. Chúng ta nhất thiết phải làm việc cùng nhau để đảm bảo duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để tất cả nước trong khu vực cùng được hưởng lợi, bao gồm cả Việt Nam và Mỹ, thật nhiều và thật lâu nữa” - ông Carter nói.
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc triển khai vũ khí đến biển Đông, ông Carter bày tỏ Mỹ cùng có mối quan tâm về tự do hàng hải, về giải pháp hòa bình ở biển Đông, như các nước châu Á và các nước trên thế giới. Do đó không hoạt động của bất cứ bên nào làm thay đổi được hoạt động của Mỹ ở biển Đông. “Chúng tôi sẽ vẫn bay, vẫn căng buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Ông Carter nói thế và cho hay Mỹ kêu gọi giải pháp đa phương và hòa bình, đồng thời đề xuất các nước liên quan dừng vĩnh viễn hoạt động cải tạo hoặc quân sự hóa ở biển Đông.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington phản đối hành động quân sự hóa và hoạt động tạo nên căng thẳng ở biển Đông. Mỹ ủng hộ việc đàm phán của ASEAN và các nước liên quan đến tranh chấp và đã thảo luận điều này với các quan chức Việt Nam cùng các nước trong khu vực tại Đối thoại an ninh Shangri-La cuối tuần qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tái khẳng định quan điểm của Việt Nam rằng luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không làm phức tạp thêm tình hình. Ông Thanh cho hay các nước ASEAN sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Ông Phùng Quang Thanh cũng bày tỏ mong muốn sắp tới Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. “Hai nước bây giờ là bạn bè, là đối tác toàn diện, làm vậy sẽ thể hiện sự tin cậy lẫn nhau, phù hợp với lợi ích cả hai nước” - ông Thanh nói.
Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ được ký kết trên cơ sở “Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương” ký năm 2011, bao gồm hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh (tìm kiếm quân nhân mất tích, tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn vật liệu nổ còn sót lại); trao đổi đoàn; đối thoại, tham vấn; trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, an ninh biển; đào tạo; quân y; tham vấn lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, ADMM+ và các lĩnh vực khác mà hai bên có nhu cầu và khả năng. |