Việt Nam có bước tiến lớn trong nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống

(PLO)- Đề tài nghiên cứu tôm hùm bông giống đã đến giai đoạn thứ 9, một năm tới Việt Nam hy vọng sản xuất thành công giống tôm hùm bông thương phẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-11, ông Võ Văn Nha, Phó viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ NN&PTNT), qua quá trình nghiên cứu, kết quả trong việc sản xuất con tôm hùm giống đã có bước tiến triển lớn.

Theo ông Nha, hiện giống tôm hùm của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước, như Indonesia, Philippines, Myanmar. Nước ta chưa chủ động được nguồn cung này.

Trước yêu cầu đó, hơn 13 năm trước Viện có một nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài về sản xuất tôm hùm giống.

“Hơn 13 năm trước Viện đã bắt đầu nghiên cứu để sản xuất tôm hùm giống. Đến năm 2010 việc nghiên cứu dừng lại khi con giống đang ở giai đoạn 5 sau 89 ngày ươm nuôi”, ông Nha thông tin và cho biết quá trình để con tôm hùm giống thành thương phẩm, ấu trùng phải đến giai đoạn 12.

tôm hùm.jpg
Người nuôi tôm hùm Việt Nam đang phải nhập khẩu con giống từ nước khác. Ảnh: XUÂN HOÁT

Đến năm 2018, Viện nuôi trồng thủy sản 3 khởi động lại dự án dựa trên các kết quả đã đạt trước đó và có bước tiến triển lớn.

“Tính đến tháng 11-2023, nhóm nghiên cứu của Viện đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 9, sau hơn 120 ngày nuôi. Theo các tài liệu từ trước đến nay, ngay cả của Úc, ấu trùng này cũng cần đến ngày thứ 150 mới thành tôm hùm bông trắng”, ông Nha thông tin.

Theo ông Nha, dù nghiên cứu đến giai đoạn thứ 9, nhưng tỷ lệ sống của ấu trùng tôm hùm đạt 0,5%, trong khi yêu cầu của đề tài cấp Nhà nước chỉ 0,001%. “Đây là bước tiến rất lớn của nhóm nghiên cứu, mở ra hy vọng sản xuất tôm hùm giống trong thời gian tới. Trong khi trên thế giới chưa quốc gia nào công bố sản xuất thành công tôm hùm bông giống”, ông Nha thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Nha, khi bước qua giai đoạn thứ 10 thì ấu trùng chết. Về nguyên nhân, ông Nha lý giải, đầu tiên là “nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt” khi ấu trùng lột xác; thứ hai có thể do chất lượng nước, môi trường bể nuôi sau 120 ngày có thể gây tác động.

“Để trở thành con giống tôm hùm bông thương phẩm, ấu trùng sẽ phải đến giai đoạn 12. Từ nay tới tháng 11-2024, đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống sẽ kết thúc. Chúng tôi hy vọng trong một năm tới sẽ xử lý được các vấn đề thức ăn, môi trường để đề tài thành công”, ông Nha mong muốn.

Tại hội nghị Tìm giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp diễn ra sáng 25-11 tại Nha Trang (Khánh Hòa), ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, yêu cầu Viện Nuôi trồng thủy sản 3 sớm tổ chức hội thảo để đánh giá toàn diện đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu tôm hùm giống nói trên.

“Viện cứ lên kế hoạch tổ chức hội thảo và mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu của cả nước về để đánh giá nguyên nhân, tìm giải pháp. Tôi sẽ chủ trì cuộc hội thảo này, vì đề tài Nhà nước nhưng đơn vị sử dụng là Bộ NN&PTNT”, ông Tiến nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm