Sáng 1-12, tại TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp cùng Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật (ĐH Huế) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: “Environmental Protection and Climate Change Policies and Law 2023: International and National Legislation Reaching Net–Zero Emissions – the Perspective of Developing Countries (EPCCPL 2023)”.
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Lê Vũ Nam (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật) cho biết “Thỏa thuận Paris và Chương trình Nghị sự 2030” về phát triển bền vững đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu có thể gây ra cho xã hội, cũng như yêu cầu cấp bách về việc cắt giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Thêm vào đó, sự hợp tác này cũng hết sức cần thiết để thực thi các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể là tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các quốc gia đang phát triển và các khu vực dễ bị tổn thương.
Do vậy, các cam kết về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây không còn giới hạn ở các quốc gia phát triển có mức phát thải cao mà bao gồm cả những quốc gia đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương trước các tác động của hiện tượng này.
Điển hình như Việt Nam - một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 26 và 27, các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và 27) đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Ngoài ra, hơn 100 quốc gia đã tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; hơn 140 quốc gia tham gia “Tuyên bố Glasgow” của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; 48 quốc gia tham gia “Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch”; 150 quốc gia tham gia “Liên minh hành động thích ứng toàn cầu”.
Các cam kết này là minh chứng cho nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức trong việc lựa chọn và thực thi chính sách pháp luật phù hợp trong bối cảnh thiếu kinh nghiệm cũng như nguồn tài chính cần thiết.
PGS-TS Lê Vũ Nam mong rằng hội thảo sẽ mang đến một diễn đàn đối thoại cởi mở cho các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, cùng các cá nhân, tổ chức khác có quan tâm.
Qua đó, hội thảo sẽ có những đánh giá về thực trạng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia. Từ đó, đưa ra các kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về phát triển xanh và chống biến đổi khí hậu.