SAWACO sẵn sàng đáp ứng nước sạch trong biến đổi khí hậu

(PLO)- Trước tình hình biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, SAWACO đã lên phương án ứng phó, xây dựng thêm hai nhà máy nước, trung tâm điều khiển từ xa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ quy hoạch chỉ cung cấp nước cho 1 triệu dân, đến nay SAWACO đã và đang đáp ứng nước sạch cho hơn 10 triệu dân của TP.HCM, với khoảng 1,8 triệu m3/ngày. TP.HCM cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng nước sạch từ năm 2016 đến nay.

Có kế hoạch đảm bảo nước cho 15 triệu dân và hơn thế

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, nhận định ước tính hiện TP.HCM có khoảng 13 triệu dân. Đây là số dân rất đông trong khi quy hoạch cấp nước trước đây chỉ có khoảng 1 triệu dân. Điều đáng mừng, TP luôn đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân, chưa bao giờ phải lo thiếu nước, mạng lưới cấp nước liên tiếp mở rộng, đến từng hộ dân.

Tuy nhiên, trên thực tế người dân chưa thực sự quý trọng nguồn nước này. Nhiều người dân vẫn vô tư mang nước sạch đi tưới cây, rửa xe… vô cùng lãng phí. TP có lượng dân cư lớn, nhập cư cao và có thể đạt 15 triệu dân trong thời gian tới. Vì vậy, nếu TP không có tính toán trước sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cấp nước.

nuoc-sach.jpg
TP luôn đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân và mạng lưới cấp nước liên tiếp được mở rộng

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cũng cho rằng nước là vấn đề sống còn, nó không giống như những mặt hàng khác. Vậy làm sao để có thể cung cấp nước công bằng, đảm bảo nước sạch cho người dân dùng.

TS Võ Kim Cương cho rằng TP cần tận dụng mọi cơ hội và phát huy các thế mạnh như ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước để đảm bảo cung ứng nước sạch cho 13 triệu dân TP và tương lai là cao hơn thế.

Nghị quyết 98 có hiệu lực, TP có thể dựa vào đó để kêu gọi nguồn lực đầu tư, hợp tác công tư để phát triển mạng lưới nước. Song song, TP cũng cần quy hoạch để cấm khu vực khai thác nước ngầm, tránh gây sụt lún.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên nghiên cứu về phát triển đô thị ở TP.HCM, nhận định TP cần xây dựng nhiều kịch bản để đảm bảo cung cấp nước, kể cả ngập úng sâu, kéo dài trong mùa mưa lũ. Trường hợp nước từ sông đổ về TP, nước biển dâng lên thì TP cũng cần để đối phó và nước vẫn phải đảm bảo.

“Hiện nay chúng ta dùng nước đang rất lãng phí. Vì vậy cần tuyên truyền, sử dụng tiết kiệm nước, dự phòng nước trong tương lai. Phải chăng giá nước hiện nay nhân dân vẫn chấp nhận được nên xài rất phung phí. Trường hợp TP nâng giá nước lên người dân sẽ sử dụng nước tiết kiệm, không lãng phí” - TS Nguyên nói.

SAWACO đang tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch cấp nước trong thời gian tới và sẽ xây dựng thêm hai nhà máy cấp nước vào năm 2026-2027.

Xây dựng thêm hai nhà máy nước, thành lập trung tâm vận hành

Ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc SAWACO, cho biết hiện SAWACO có 1,6 triệu đồng hồ nước. “Chúng tôi sẽ nỗ lực phát triển mạng lưới nước kể cả những nơi có hiệu quả kinh tế không cao như Cần Giờ, Bình Chánh và Hóc Môn. SAWACO phấn đấu mỗi hộ dân có một đồng hồ nước” - ông Minh nói.

Ông Minh nhận định tỉ lệ tăng dân số ở nội thị và dân nhập cư vào TP.HCM ngày càng tăng. Do đó, bài toán mà SAWACO đặt ra là làm sao để đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân TP.

Tuy nhiên, bên cạnh việc gia tăng dân số, SAWACO cũng đang đối mặt với một số thách thức như biến đổi khí hậu ở TP.HCM và ĐBSCL. TP.HCM cũng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng xâm nhập mặn từ các dòng sông. Hiện bảy nhà máy sử dụng nước mặt (chiếm hơn 90%) đang được lấy từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, song có một số tháng đã bị nhiễm mặn. Vì vậy, SAWACO cần phối với các hồ Trị An, Dầu Tiếng để xả nước, đẩy mặn để đảm bảo cung cấp nước cho người dân TP.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là thực trạng đang diễn ra. Các con sông lớn cung cấp nước cho TP đang nằm gần các khu công nghiệp, các TP lớn. Theo đó, để giải quyết vấn đề này là vô cùng nan giải và SAWACO đã phải vận dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến để giải quyết.

“Áp lực nước đưa tới người dân không đồng đều. Nơi có áp lực nước cao, song có nơi áp lực nước thấp. Vì vậy, cần có giải pháp là thành lập các hồ chứa trên mạng lưới để tăng áp, đảm bảo nước cho TP. Hiện các nước trên thế giới đều đã làm, TP sẽ đề xuất đưa các hồ chứa vào để đảm bảo việc cấp nước trên địa bàn TP” - ông Minh nói.

Đặc biệt, SAWACO cũng sẽ quản lý, giám sát vận hành và quản lý hệ thống cấp nước, có thể kiểm soát, điều khiển thiết bị thông qua hệ thống từ xa. SAWACO dự kiến hoàn thành trung tâm này vào năm 2024. Từ trung tâm này ngành nước sẽ xây dựng các kịch bản để đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục phục vụ người dân. Trường hợp có sự cố ở khu vực này thì sẽ huy động nước sạch từ khu vực khác, đảm bảo đủ để phục vụ người dân TP.

“Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, an toàn cho người dân là nhiệm vụ của SAWACO. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch cấp nước trong thời gian tới và sẽ xây dựng thêm hai nhà máy cấp nước vào năm 2026-2027 để đảm bảo cung cấp nước, giảm khai thác nước ngầm ở TP” - ông Minh nhấn mạnh.•

Tích cực tuyên truyền giảm khai thác nước ngầm

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết hiện nay vấn đề khai thác nước ngầm ở TP vẫn đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh nguồn nước.

Vì vậy, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân giảm khai thác nước ngầm. Đồng thời, ngành chức năng cũng cần tiến hành trám lấp giếng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm