Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm gánh nặng y tế

(PLO)- Ngoài thiệt hại ngay lập tức, biến đổi khí hậu còn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế toàn cầu, đặc biệt cản trở nỗ lực giải quyết các bệnh truyền nhiễm như AIDS, lao, sốt rét.

Thế giới thời gian qua chứng kiến một loạt thiên tai gây thiệt hại lớn về người và của. Đây là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu mà giới quan sát đã cảnh báo nhiều năm qua. Song, ngoài những thiệt hại ngay lập tức, biến đổi khí hậu còn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế toàn cầu.

Cuộc chiến chống AIDS, lao, sốt rét gặp khó

Dễ thấy nhất, hậu quả biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nỗ lực giải quyết ba căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới thời điểm hiện tại, gồm AIDS, lao, và sốt rét, hãng tin Reuters dẫn báo cáo năm 2023 của Quỹ Toàn cầu chống AIDS- lao- sốt rét.

Bên cạnh đó, báo cáo năm 2023 của Quỹ Toàn cầu chống AIDS - lao - sốt rét lưu ý rằng tình trạng khí hậu bị biến đổi và các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt đang khiến các dịch vụ y tế quá tải, các cộng đồng phải di dời và gây ra sự gia tăng số ca mắc bệnh truyền nhiễm.

a.jpeg
Các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu không chỉ gây mất mát trước mắt về người và của mà còn làm trầm trọng thêm gánh nặng y tế. Ảnh: Adarsh Vikram/GAVI.ORG

Một ví dụ điển hình, bệnh sốt rét đang lan rộng đến các vùng cao nguyên của châu Phi, nơi trước đây loài muỗi mang ký sinh trùng gây bệnh không thể sống do nhiệt độ ở đó quá lạnh đối với chúng.

Lao, bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều thứ hai thế giới sau COVID-19, chỉ trong năm 2021 đã cướp đi khoảng 1,6 triệu sinh mạng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chuyện kiểm soát HIV/AIDS cũng gặp trở ngại, đặc biệt ở châu Á. Trong khi số ca nhiễm HIV/AIDS có xu hướng giảm trên thế giới thì ở một số quốc gia châu Á như Philippines, số ca nhiễm mới lại tăng (tăng hơn ba lần trong thời gian 2001-2021).

Theo ông Kiyohiko Izumi - trưởng nhóm nghiên cứu về HIV, viêm gan siêu vi và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại Văn phòng tây Thái Bình Dương thuộc WHO, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, thay đổi nhiệt độ, ô nhiễm không khí và nước đang cản trở nỗ lực kiểm soát HIV/AIDS ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì biến đổi khí hậu cũng là những người dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nhất – chuyên gia Kiyohiko Izumi.

Cần những “bước đi phi thường”

Theo báo cáo của Quỹ Toàn cầu chống AIDS - lao - sốt rét, các sáng kiến quốc tế nhằm chống lại các căn bệnh này phần lớn được khôi phục sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những thách thức ngày càng tăng của biến đổi khí hậu khiến thế giới khó đạt mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS, lao và sốt rét vào năm 2030 nếu không có “các bước phi thường”, theo ông Peter Sands - Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu chống AIDS- lao- sốt rét.

Libya.png
TP Derna (Libya) chỉ còn lại đống hoang tàn sau trận "đại hồng thuỷ" quét qua hồi đầu tháng 9. Chuyên gia cảnh báo người dân khu vực có nguy cơ nhiễm dịch tả, tiêu chảy,... do thiếu nước sạch sử dụng. Ảnh: AP

Tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) hôm 22-9 bàn về cuộc chiến chống lại bệnh lao, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Dennis Francis chỉ ra rằng bệnh lao phát triển mạnh do chịu ảnh hưởng từ bất bình đẳng xã hội như nghèo đói và suy dinh dưỡng, và càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng khác. Ông Sands nhấn mạnh thế giới cần dành nhiều nguồn lực hơn để chống lại bệnh lao”. Tuy nhiên theo báo cáo của Quỹ thì ở các quốc gia phải chịu đựng cả về biến đổi khí hậu cả xung đột như Sudan, Ukraine, Afghanistan và Myanmar, việc tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương là một thách thức vô cùng lớn do tình trạng mất an ninh.

Hiện nghiên cứu về HIV/AIDS chủ yếu tập trung vào phòng ngừa, điều trị, giảm kỳ thị và phát triển vaccine. Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư nghiên cứu mối quan hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và HIV.

a.png
Nhân viên cứu hộ lội nước tìm kiếm nạn nhân sau trận lũ lớn quét qua thị trấn Aldea del Fresno (Brazil) đầu tháng 9. Ảnh: REUTERS

Ông Nathan Ford – nhà khoa học tại Khoa HIV/AIDS, Viêm gan siêu vi và Các bệnh lây truyền qua đường tình dục thuộc WHO cho rằng “cần có cách tiếp cận toàn cầu để hiểu được tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với sự lây lan của các loài có thể đóng vai trò là vật chủ trung gian, đặc biệt là dơi và chim, đối với mầm bệnh nấm ở người”.

Nhiệt độ ấm lên và các tác động khí hậu khác dẫn đến nguy cơ gia tăng một số bệnh nấm xâm lấn, mà “nhiễm nấm là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, nhập viện và tử vong ở những người mắc bệnh HIV giai đoạn nặng”, theo ông Ford.

Sức khoẻ tinh thần cũng rất đáng lo

Với các thảm họa cháy rừng, lũ lụt, hạn hán,... ngoài những thiệt hại trước mắt, người dân cũng phải chịu những tổn thương về tinh thần và tâm lý có thể kéo dài rất lâu, tờ Global News dẫn cảnh báo từ nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Cô Payson, sống ở tỉnh Vernon (Canada), nói các vụ cháy rừng xảy ra trong tỉnh khiến nhiều người phải trải qua một loạt cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, buồn bã, chết lặng và tức giận. Theo ông Jude Mary Cénat - GS khoa Tâm lý học thuộc ĐH Ottawa (Canada), sau một thảm họa thiên nhiên, nhiều người sẽ trải qua những ký ức đau buồn không mong muốn, những hồi tưởng, ác mộng và cảm xúc đau khổ.

Bà Nicole Sadler - nhà tâm lý học lâm sàng ở Úc, nghiên cứu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên đến sức khỏe tâm thần – cho rằng hậu quả có thể ngắn hạn với một số người, nhưng với một số người khác có thể kéo dài đến hàng tháng, thậm chí nhiều năm. Theo bà Sadler, việc duy trì kết nối xã hội và tìm kiếm sự giúp đỡ là một bước quan trọng, vì nó sẽ giúp “lấy lại cảm giác thường ngày”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm