Thời tiết ngày càng cực đoan, các nước gấp rút hành động

(PLO)- Nhiều nước đang quyết liệt áp dụng các biện pháp phòng ngừa hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tác hại của biến đổi khí hậu đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhận thức được điều này, chính phủ và người dân nhiều nước đang áp dụng các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải, rác thải, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Các chuyên gia cho biết chúng ta vẫn còn thời gian để cứu thế giới khỏi tình trạng khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, các chính phủ và người dân cần hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn để ngăn những tác hại nghiêm trọng có thể xảy ra.

230809080048-01-hawaii-wildfires-hurricane-dora.jpg
Cháy rừng ở đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ) hồi tháng 8. Ảnh:

Cấm đốt lửa để cứu không khí, cứu rừng

Ngày 18-9, ông Pornsil Patcharintanakul - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà máy thức ăn chăn nuôi Thái Lan (TFMA) (trực thuộc Bộ thương mại Thái Lan) - kêu gọi: “Chính phủ nên cấm đốt rơm rạ và cây trồng sau thu hoạch, vốn là phương pháp được nông dân Thái Lan thường xuyên sử dụng”.

Theo ông Pornsil, việc cấm đốt rơm rạ là tuân theo các hướng dẫn xử lý rác thải nông nghiệp chuẩn quốc tế. Ông cho rằng lệnh cấm này nên được tiến hành trong 3 năm để đảm bảo mang đến hiệu quả cao.

Ông Pornsil cũng kêu gọi chính phủ của tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin hành động nhanh chóng để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí.

Chất lượng không khí ở Thái Lan xuống thấp trong thời gian gần đây. Hồi tháng 4, thủ đô Bangkok và TP Chiang Mai được xếp hạng vào nhóm các TP ô nhiễm nhất thế giới.

Khi ấy, nhà chức trách kêu gọi mọi người ở trong nhà vì nồng độ bụi mịn cao trong không khí. Theo đó, lượng bụi mịn này nhỏ đến mức có thể xâm nhập vào máu.

Một trong những nguồn phát tán bụi mịn hàng đầu tại Thái Lan là do nông dân đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Theo hãng tin AFP, mùa đốt đồng ở Thái Lan kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm.

CLIMATE_CHANGE_THAILAND-RICE_1809n01_1695050365.jpg
Một nông dân đốt rơm rạ ở tỉnh Chainat (Thái Lan) hồi tháng 8. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, TP Sydney, bang New South Wales (Úc) đang trải qua đợt nắng nóng bất thường, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Trước tình hình này, ngày 19-9, chính quyền TP Sydney ra lệnh cấm đốt lửa hoàn toàn và đóng cửa nhiều trường học.

Giới chức bang New South Wales cho biết trong thời gian lệnh cấm đốt lửa hoàn toàn được ban hành, việc nhóm lửa ngoài trời hoặc tiến hành các hoạt động có khả năng gây cháy (dùng máy hàn, máy cắt, lò đốt rác, khinh khí cầu) là điều bất hợp pháp. Người vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt tiền từ 10.000 đến 25.000 USD và/hoặc có thể bị phạt tù 12 tháng.

Theo hãng tin Reuters, một số khu vực tại bang New South Wales được xếp loại có nguy cơ hỏa hoạn cao. Chính quyền cũng cảnh báo gió lớn có thể gây ra cháy rừng.

Trên Facebook, Cơ quan Cứu hỏa bang New South Wales cho hay: “Do dự báo thời tiết nóng, khô và gió suốt cả ngày lẫn đêm, một số khu vực của bang sẽ có nguy cơ hỏa hoạn cao”.

Nhiệt độ tại Sydney hôm 19-9 là 34 độ C. Mức nhiệt này được xem là cao bất thường vào trong tháng 9 ở Úc. Các chuyên gia cho hay hiện tượng El Niño có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt độ hiện tại.

Cơ quan dự báo thời tiết bang New South Wales cho biết hiện tượng El Niño diễn ra mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 và có khả năng gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lốc xoáy, hạn hán. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì ở Úc - một trong những nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới

Kinh tế xanh, năng lượng xanh

Đầu tháng 8, Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp - ông Clément Beaune cho biết Pháp sẽ tăng thuế đối với các chuyến bay và dùng khoản tiền thuế này để đầu tư vào ngành đường sắt. Theo đài Euro News, động thái này được cho là sẽ khiến nhiều người chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển hơn và giảm lượng khách đi máy bay - phương tiện gây ô nhiễm bậc nhất.

Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, người dân đã bỏ phiếu đồng ý với luật khí hậu mới vào tháng 6. Theo đó, nước này đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.

“Người Thụy Sĩ hiểu rằng luật khí hậu là điều cần thiết để thực hiện bước đầu tiên, đặt ra mục tiêu rõ ràng về phát thải ròng trước năm 2050. Khi bạn có mục tiêu rõ ràng, bạn có thể đưa ra các biện pháp cần thiết” - bà Céline Vara, thành viên đảng Xanh của Thụy Sĩ, nói.

Tại Bồ Đào Nha, mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050 đã được quy định trong luật của nước này. Bồ Đào Nha cũng đặt mục tiêu trước năm 2026, 80% năng lượng điện của nước này sẽ được sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Tính đến đầu năm 2023, năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm 50% sản lượng điện của Bồ Đào Nha.

ap_438944456041_wide-3462c897455f86bd88c0772f42d9f35bff6f6731-s800-c85.jpg
Cánh đồng điện gió ở Sobral de Monte Agraco, Lisbon (Bồ Đào Nha). Ảnh: AP

Năng lượng tái tạo cũng là lĩnh vực được nhiều nước chú ý đầu tư. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2021, 71% nguồn điện của Áo đến từ năng lượng tái tạo. Áo cũng đã cải tổ hệ thống thuế của mình để đưa ra mức thuế 30 euro/tấn carbon nhằm hạn chế các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Mức thuế này sẽ tăng dần theo từng năm cho đến năm 2025.

Vào năm 2021, Áo đã ra mắt Klimaticket - loại vé được sử dụng trên tất cả phương tiện giao thông công cộng ở nước này. Đến nay, đã có 200.000 người mua loại vé trên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người dân Áo đang sử dụng Klimaticket để thay đổi thói quen di chuyển, ưu tiên dùng phương tiện giao thông công cộng để giảm khí thải.

Các biện pháp hạn chế rác thải cũng được nhiều nước triển khai quyết liệt.

Theo Euro News, mỗi năm có hơn 150 triệu điện thoại thông minh bị vứt đi. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến điều này là do pin của điện thoại thông minh rất khó để thay, nên nhiều người dùng chọn cách vứt bỏ thay vì sửa điện thoại khi chúng bị hỏng.

Để giải quyết tình trạng này, vào tháng 7, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành quy định yêu cầu các nhà sản xuất điều chỉnh quy trình, để giúp người dùng có thể dễ dàng thay pin điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử.

“Lần đầu tiên, chúng tôi có luật kinh tế tuần hoàn bao trùm toàn bộ vòng đời của sản phẩm - một cách tiếp cận tốt cho cả môi trường và nền kinh tế. Chúng tôi đã nhất trí thông qua các biện pháp mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng: pin sẽ hoạt động tốt, an toàn hơn và dễ tháo lắp hơn” - ông Achille Variati, thành viên Nghị viện châu Âu, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm