Cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu

(PLO)-  Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng lớn đến nhiều châu lục, cả ở châu Á và Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm thiên tai. Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia thúc đẩy phát triển “Hệ thống cảnh báo sớm cho tất cả”. Đây là một công cụ hiệu quả giúp bảo vệ tính mạng, tài sản, mang lại lợi ích gấp gần 10 lần so với mức đầu tư...

Theo ước tính của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP), năm 2021, khoảng 48,3 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng trực tiếp vì thiên tai, khoảng 4.000 người thiệt mạng. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 35,6 tỉ USD, cao hơn so trung bình hai thập niên qua.

Nhà cửa bị cháy rừng bị thiêu rụi trong đợt cháy rừng ở Lahaina, bang Hawaii (Mỹ) hồi tháng 8. Ảnh: AFP

Nhà cửa bị cháy rừng bị thiêu rụi trong đợt cháy rừng ở Lahaina, bang Hawaii (Mỹ) hồi tháng 8. Ảnh: AFP

Theo báo cáo mới nhất ra ngày 6-7-2023 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6-2023 cao hơn 0,5oC so với trung bình nhiều năm (1991-2020), phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trước đó vào tháng 6-2019. Không dừng lại ở đó, WMO cảnh báo giai đoạn năm năm tới sẽ là thời kỳ nóng nhất từng được ghi nhận. Điều này sẽ tác động sâu rộng đến sức khỏe con người, an ninh lương thực, quản lý tài nguyên nước và các vấn đề về môi trường ở nhiều nơi trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,89°C trong thời kỳ 1958-2018. Mưa cực đoan tăng ở hầu hết các vùng cả nước, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn. Mực nước biển tăng 2,74 mm/năm. Số lượng các cơn bão mạnh trên Biển Đông có xu thế tăng. Đơn cử, tháng 1-2014 dù giữa mùa khô nhưng các tỉnh từ Hà Tĩnh vào Quảng Ngãi lại có một đợt lũ cao bất thường, thậm chí cao hơn cả mùa mưa năm sau. Năm 2016, xuất hiện đợt mưa tuyết chưa từng gặp ở nước ta, đỉnh Ba Vì - Hà Nội, rừng quốc gia Vũ Quang - Hà Tĩnh cũng có tuyết - điều chưa từng ghi nhận trước đây. Mức nhiệt 44,2 độ C ở Tương Dương (Nghệ An) ngày 7-5 được đánh giá là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước trong chuỗi số liệu từng được quan trắc.

Thực tế này buộc chúng ta cần cấp bách ứng phó. Một trong những giải pháp là thúc đẩy chuyển đổi hệ thống năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đến nay, hơn 110 quốc gia đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, hơn 105 quốc gia đã cam kết giảm phát thải methane 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả quốc gia thực hiện đầy đủ cam kết này thì biến đổi khí hậu dự báo vẫn sẽ tiếp tục, các hiện tượng khí hậu cực đoan được dự đoán sẽ tiếp tục xảy ra với cường độ và tần suất cao hơn.

Bởi vậy các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm thiên tai. Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia thúc đẩy phát triển “hệ thống cảnh báo sớm cho tất cả”. Đây là một công cụ hiệu quả và khả thi để thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp bảo vệ tính mạng, tài sản và đã được chứng minh mang lại lợi ích gấp gần 10 lần so với mức đầu tư.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành khí tượng thủy văn đã có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu, vậy nên những dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế, hiệu quả.

Đối phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề cấp bách và mang tính toàn cầu. Đây là cuộc chiến không của riêng ai, đơn giản tác động của nó không loại trừ một cá nhân nào, một quốc gia nào. Bởi vậy, mọi người dân, mọi địa phương, mọi cơ quan nhà nước phải chung tay cho sứ mệnh chung này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm