Biến đổi khí hậu khiến nông nghiệp châu Á lao đao

(PLO)- Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng sản lượng nông nghiệp ở nhiều nước châu Á và gây áp lực lên an ninh lương thực toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Biến đổi khí hậu đang khiến nền nông nghiệp của nhiều nước châu Á chịu áp lực không nhỏ.

Nhiều vùng nông nghiệp lúa gạo trọng điểm như Thái Lan phải giảm diện tích đất canh tác để tránh thiệt hại do nắng nóng và khô hạn. Trong khi đó, lũ quét ở một số khu vực của Trung Quốc (TQ) khiến nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng.

Nông dân trên cánh đồng lúa ở tỉnh Tây Java (Indonesia). Ảnh: REUTERS

Nông dân trên cánh đồng lúa ở tỉnh Tây Java (Indonesia). Ảnh: REUTERS

Thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng nông nghiệp châu Á

Theo hãng tin Reuters, hiện tượng El Niño khiến tháng 8 trở nên khô hạn bất thường. Thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại cho sản lượng ngũ cốc và các loại cây cho hạt lấy dầu ở châu Á.

Theo đó, lượng mưa thấp kỷ lục ở Ấn Độ dự kiến làm giảm sản lượng các loại cây trồng chủ lực như lúa gạo. Tại Đông Nam Á, lượng mưa thấp có thể làm giảm nguồn cung dầu cọ - loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

“Chúng ta đang hứng chịu tác động của El Niño ở một số nơi trên thế giới và nó sẽ mạnh lên vào cuối năm nay. Tại châu Á, thời tiết có xu hướng khô hạn” - theo ông Chris Hyde, nhà khí tượng học tại công ty phân tích dữ liệu khí hậu Maxar Technologies (Mỹ).

Theo dự báo của các nhà khoa học, trong năm 2023, lượng mưa gió mùa ở Ấn Độ - vốn rất quan trọng đối với các loại cây trồng mùa hè như lúa gạo, mía, đậu nành và ngô - có nguy cơ thấp nhất trong 8 năm.

“Tác động của El Niño lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự đoán. Đây sẽ là tháng 8 khô hạn kỷ lục. El Niño cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng mưa tháng 9” - một quan chức của Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết.

Tại Đông Nam Á, lượng mưa thấp được dự đoán sẽ tác động đến chu kỳ sinh trưởng và sản lượng của các loại cây trồng chủ lực như lúa, dầu cọ, mía, cà phê. Trong đó, Thái Lan và Indonesia là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nhất.

“Các vùng phía đông của Indonesia và phần lớn Thái Lan có rất ít mưa trong khoảng 30 đến 40 ngày qua. Ở những khu vực này, trong tháng 8, lượng mưa ở mức 50% đến 70% so với mức trung bình. Theo dự báo, lượng mưa ở Thái Lan và Indonesia trong tháng 9 cũng thấp hơn mức trung bình” - ông Hyde nói.

Một cánh đồng ngô ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) bị lũ ảnh hưởng vào tháng 8. Ảnh: REUTERS

Một cánh đồng ngô ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) bị lũ ảnh hưởng vào tháng 8. Ảnh: REUTERS

Thời tiết khắc nghiệt buộc nhiều nước trong khu vực đưa ra các biện pháp mạnh để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Ấn Độ - nước chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu - đã hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, chính phủ Indonesia thông báo sẽ chuẩn bị 500.000 ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa gạo, đề phòng hạn hán kéo dài do tác động của El Niño.

Tại TQ, lũ lụt hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã gây thiệt hại diện tích trồng ngô và lúa gạo ở vành đai sản xuất ngũ cốc trọng điểm phía bắc của nước này. Theo Reuters, uớc tính ban đầu cho thấy có đến 4 đến 5 triệu tấn ngô, tương đương khoảng 2% sản lượng ngô của TQ, đã bị lũ lụt ảnh hưởng.

“Lũ lụt sẽ tác động đến sản vùng xuất lúa gạo ở đông bắc TQ. Lũ cũng có thể làm giảm sản lượng lúa gạo từ 3% đến 5% ở những khu vực bị ảnh hưởng” - ông Mã Văn Phong, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Beijing Orient Agribusiness Consultant (TQ), nói.

An ninh lương thực toàn cầu chịu áp lực

Nửa đầu năm 2023, khu vực Nam Á đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt.

Theo đó, Ấn Độ và Pakistan đã phải chịu nắng nóng với nhiệt độ lên tới 51 độ C. Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến tháng 3 trở thành tháng nóng nhất được ghi nhận ở Ấn Độ trong 122 năm qua.

Đợt nắng nóng này đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng lúa mì của Ấn Độ, khiến nước này ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vào giữa tháng 5. Ấn Độ cho rằng việc cấm xuất khẩu lúa mì không chỉ nhằm bảo vệ an ninh lương thực trong nước, mà còn bảo vệ an ninh lương thực của các nước láng giềng và các nước dễ bị tổn thương khác.

Các chuyên gia nhận định lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã làm gia tăng căng thẳng cho thị trường lương thực thế giới, trong bối cảnh xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine - một trong những nhà sản xuất lúa mì hàng đầu - gặp nhiều khó khăn.

“Đó là lời cảnh tỉnh để xem xét lại cách chúng ta thiết lập hệ thống lương thực của mình. Liệu chúng ta có quá phụ thuộc vào một số loại cây trồng hay không? Và điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta bị mất mùa hàng loạt?” - theo bà Shefali Sharma, giám đốc khu vực châu Âu của Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại (Mỹ).

Khoảng 2 tháng sau lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, ngày 20-7, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, sau khi mưa gió mùa làm hư hại một phần lớn diện tích cây lương thực này. Lệnh cấm này được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo an ninh lương thực trong nước cho Ấn Độ, góp phần kiềm chế lạm phát.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ khiến nhiều người tiêu dùng ở Mỹ đổ xô đi mua gạo. Điều này đẩy giá gạo ở Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 12 năm.

Công nhân tại một nhà máy gạo ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: CNN

Công nhân tại một nhà máy gạo ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: CNN

Ông Satish Kumar, một nông dân ở bang Haryana (Ấn Độ) cho biết mưa lớn, lũ lụt đã khiến cánh đồng của gia đình ông bị hư hại nặng. Tình thế này buộc ông phải vay vốn để gieo trồng lại. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu khiến ông thêm lo lắng vì có thể khó tìm đầu ra.

Theo đài CNN, biến đổi khí hậu đã tàn phá sản lượng gạo của Ấn Độ. Lệnh cấm có thể giúp nước này đảm bảo nguồn cung trong nước nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.

“Lệnh cấm xuất khẩu được đưa ra vào thời điểm các nước đang phải vật lộn với nợ cao, lạm phát lương thực và tiền mất giá. Đây là rắc rối cho mọi người”, theo ông Arif Husain, nhà kinh tế tại Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm