Bắc Mỹ, châu Âu: Nơi nắng đốt nơi mưa quay

(PLO)- Thời tiết cực đoan đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động chăn nuôi của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời tiết cực đoan hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục lũ lụt do hậu quả bão Doksuri thì châu Âu, Bắc Mỹ đang chịu cảnh mưa lớn, sóng nhiệt, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng.

Mưa như trút tại Bắc Âu

Ngày 7-8, mưa lớn trút xuống miền nam bán đảo Scandinavia, khu vực Bắc Âu. Các quan chức ở Thụy Điển và Na Uy cảnh báo lượng mưa lớn vừa qua có thể khiến khu vực phải chịu đựng thời tiết ẩm ướt chưa từng có trong nhiều thập niên, theo hãng tin Reuters.

Các nhà khí tượng học Thụy Điển và Na Uy đã đưa ra cảnh báo đỏ - mức cảnh báo nghiêm trọng nhất - sau trận mưa hôm 7-8. Mức cảnh báo có thể kéo dài vài ngày tới.

Người dân leo lên nóc ô tô để tránh lũ tại Thụy Điển hôm 7-8. Ảnh: REUTERS

Người dân leo lên nóc ô tô để tránh lũ tại Thụy Điển hôm 7-8. Ảnh: REUTERS

Các nhà khí tượng học cho biết theo số liệu đo đạc lượng mưa trung bình tại khu vực miền nam bán đảo Scandinavia trong 24 giờ có thể bằng lượng mưa trung bình tại khu vực trong 1 tháng. Điều này có khả năng dẫn đến đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở Na Uy trong 25 năm qua. Thậm chí, trận mưa lớn này có thể gây nên trận lũ tồi tệ nhất ở Thụy Điển trong 50 năm qua.

Cảnh sát Thụy Điển cho biết mưa lớn đã làm hỏng một phần đường ray. Đây là nguyên nhân khiến đoàn tàu chở hơn 100 hành khách bị trật đường ray ở miền đông Thụy Điển. Vụ việc khiến 3 người bị thương.

Gió mạnh và giông bão cũng đã đánh sập nhiều đường dây điện và làm gián đoạn một số chuyến phà đi qua biển Baltic và Biển Bắc. Nhiều chuyến bay cũng bị hoãn. Na Uy đã đình chỉ một số tuyến xe lửa và hoãn nhiều trận bóng đá.

Nhà chức trách cảnh báo người dân tránh xa các con sông, sườn dốc và chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Các chuyên gia cảnh báo mưa lớn sẽ tiếp tục trong vài ngày tới. Do đó, nguy cơ thiệt hại nhân mạng và tài sản vẫn đáng ngại.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

"Đây là một tác động của biến đổi khí hậu. Thời tiết sẽ khắc nghiệt và ẩm ướt hơn ở Na Uy" - ông Stoere trả lời đài NRK.

Đan Mạch cũng hứng lượng mưa lớn và đưa ra mức cảnh báo vàng - mức cảnh báo thấp hơn so với Thụy Điển và Na Uy. Trong khi đó, các nhà khí tượng học ở Phần Lan cho biết nước này có thể phải chịu giông bão nghiêm trọng trong cuối tuần này.

Nắng nóng tại bán đảo Iberia

Tại bán đảo Iberia, nắng nóng khiến nhiệt độ trong khu vực tăng lên mức cao. Cơ quan thời tiết của Tây Ban Nha cho biết các khu vực Andalusia ở miền nam, Castilla-La Mancha ở miền trung và Extremadura ở miền tây nước này được đặt trong tình trạng báo động màu cam. Nhiệt độ trong các khu vực này được dự báo lên tới 43 độ C trong ngày 8-8.

Tương tự, miền trung và miền nam Bồ Đào Nha cũng đang phải đối mặt với nhiệt độ trên 40 độ C, dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn "rất cao”.

Nắng nóng làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng và làm cho quá trình dập tắt các đám cháy này khó khăn hơn.

Máy bay hỗ trợ dập tắt một đám cháy rừng ở Bồ Đào Nha hôm 6-8. Ảnh: AFP

Máy bay hỗ trợ dập tắt một đám cháy rừng ở Bồ Đào Nha hôm 6-8. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, cơ quan phòng vệ dân sự quốc gia Bồ Đào Nha cho biết hàng nghìn lính cứu hỏa đã được triển khai ở miền trung và miền nam nước này để dập tắt đám cháy rừng kéo dài hàng nghìn ha. Nhà chức trách cũng đã huy động 12 máy bay phun nước hỗ trợ lực lượng cứu hỏa.

Một số đám cháy đã gây thiệt hại lớn ở Bồ Đào Nha. Cụ thể, một đám cháy gần trung tâm thành phố Castelo Branco đã phá hủy khoảng 7.000 ha rừng. Trong khi đó, đám cháy tại Odemira (phía nam Bồ Đào Nha) đã khiến 9 nhân viên cứu hỏa bị thương trong quá trình dập lửa.

Tại Tây Ban Nha, trong ngày 7-8, nhà chức trách đã kiểm soát thành công 3 đám cháy rừng. Các đám cháy này thiêu rụi hơn 1.000 ha rừng.

Cụ thể, một đám cháy bùng phát cách thành phố ven biển Cadiz của Tây Ban Nha khoảng 10 km đã được khống chế vào lúc nửa đêm 6-8. Trong khi đó, một đám cháy khác đã thiêu rụi khoảng 450 ha rừng gần thành phố Huelva (tây nam Tây Ban Nha).

Tại vùng Catalonia (nằm trên bờ biển Địa Trung Hải gần biên giới Pháp), từ ngày 4-8 đến ngày 7-8, các nhân viên cứu hỏa đã làm việc liên tục để khống chế đám cháy rừng trong điều kiện thời tiết gió mạnh. Nhà chức trách cho biết đám cháy đã phá hủy 600 ha rừng.

Catalonia và Andalusia là hai khu vực tại Tây Ban Nha thường xuyên bị hạn hán. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đám cháy rừng bùng phát. Tính từ đầu năm đến nay, hơn 70.000 ha rừng đã bị thiêu rụi ở Tây Ban Nha. Năm 2022, các đám cháy đã phá hủy hơn 300.000 ha rừng tại Tây Ban Nha.

Theo AFP, đây là đợt nắng nóng thứ ba trong mùa hè năm nay tại bán đảo Iberia. Đợt nắng nóng này dự kiến kéo dài đến ngày 10-8.

Mỹ nắng nóng ngày càng nghiêm trọng, gia súc chết hàng loạt

Trong cuối tháng 7, nhiệt độ và độ ẩm quá cao ở bang Iowa đã khiến hàng trăm con gia súc chết. Mặc dù số lượng không lớn, nhưng các nhà sản xuất cho biết việc gia súc chết do nắng nóng trong thời gian gần đây là điều bất thường.

Trả lời Reuters, cơ quan quản lý tài nguyên thiên nhiên của bang Iowa cho biết ngày 31-7, họ nhận được yêu cầu "xử lý khoảng 370 con bò chết do nắng nóng ở miền tây Iowa”.

Các con bò trong một trang trại ở bang Iowa (Mỹ). Ảnh: AP

Các con bò trong một trang trại ở bang Iowa (Mỹ). Ảnh: AP

Ông Gary Vetter - người chăn nuôi gia súc ở miền tây Iowa - cho biết trong tuần cuối cùng của tháng 7, 53 con gia súc tại 3 trang trại gần nhà ông đã chết.

"Chúng ngã gục và bạn thực sự không thể làm gì được. Tôi chưa bao giờ thấy điều này trước đây" - ông Vetter nói.

Ông Vetter cho biết những con gia súc nặng hơn 450 kg là đối tượng dễ gặp nguy hiểm do nắng nóng. Tuy nhiên, nhiệt độ và độ ẩm hồi cuối tháng 7 tăng cao đến mức những con gia súc nhẹ hơn 318kg cũng chết.

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, tại Carroll, bang Iowa - gần trang trại của ông Vetter, chỉ số nhiệt vào ngày 28-7 lên đến mức 47 độ C.

Cách đó 322 km, tại TP Riceville (đông bắc bang Iowa), ông Bob Noble - chủ tịch Hiệp hội Những người chăn nuôi gia súc bang Iowa - cho biết 2 con gia súc của ông đã chết trong 2 chuồng riêng biệt. Sau nhiều năm, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh gia súc của mình chết do nắng nóng.

“Chúng không thể chịu nổi mức nhiệt độ và độ ẩm đó” - ông Nobel nói.

Iowa là tiểu bang chăn nuôi gia súc lớn thứ năm của Mỹ. Tính đến ngày 1-7, bang Iowa có 630.000 gia súc đang được nuôi trong các trang trại.

Tình trạng gia súc chết do nắng nóng cũng xuất hiện tại các bang Kansas và Nebraska.

Phát ngôn viên của cơ quan y tế và môi trường bang Kansas cho biết bang này đã nhận được yêu cầu xử lý 50 con gia súc chết do nắng nóng trong mùa hè này. Mùa hè năm 2022, hơn 2.000 con gia súc tại bang Kansas đã chết do nắng nóng.

Tại bang Nebraska, nhà chức trách cho biết họ bắt đầu ghi nhận tình trạng gia súc chết vì nắng nóng từ ngày 26-7. Theo Reuters, bang Nebraska hiện có khoảng 2,3 triệu gia súc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm