Kỳ vọng từ Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc

(PLO)- Biến đổi khí hậu tiếp tục được cảnh báo sẽ là hồi kết của nhân loại nếu thế giới vẫn tiếp tục quản lý
thiếu hiệu quả thách thức này.

Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại TP New York, Mỹ. Trong thông báo hồi năm ngoái về kế hoạch tổ chức, hội nghị này chỉ có lãnh đạo của các nước đã đề ra kế hoạch cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 được phát biểu, theo trang tin Euronews.

Ông Guterres phát biểu gì?

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong bài phát biểu mở đầu thượng đỉnh nói rằng: “Nhân loại đã mở ra cánh cửa địa ngục” khi tiếp tục trì hoãn giải quyết các vấn đề khí hậu.

“Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả tàn khốc - nông dân đang chứng kiến mùa màng bị lũ lụt cuốn trôi, nhiệt độ tăng cao kéo theo dịch bệnh; hàng ngàn người phải sơ tán khi cháy rừng diễn ra khắp nơi” - ông Guterres cho biết.

Trong danh sách diễn giả phát biểu tại hội nghị không có đại diện của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Anh - vốn là các nước đang phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Gần 100 quốc gia bày tỏ nguyện vọng muốn phát biểu nhưng chỉ có 34 quốc gia được chọn.

Ông nói thêm là nếu không có hành động sớm, nhiệt độ toàn cầu có thể nhanh chóng leo lên 2,8 độ C - đồng nghĩa với việc thế giới sẽ bất ổn và nguy hiểm hơn. “Tuy nhiên, tương lai này không phải cố định. Các nhà lãnh đạo vẫn có thể thay đổi nó, chúng ta vẫn có thể kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C” - ông Guterres cho biết.

Đề cập nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, ông Guterres cho rằng tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo vẫn còn rất chậm. Các nước do đó cần phải có các cam kết quy mô hơn về mức giảm phát thải nhà kính hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Đặc biệt, những nước hiện đang phát thải nhiều nhất phải là các nước dẫn đầu nỗ lực này, với mốc thời gian được đưa ra là các nước phát triển đạt mức phát thải ròng bằng 0 muộn nhất trước năm 2040 và các nền kinh tế đang phát triển là trước năm 2050.

Liên hợp quốc đề xuất những gì?

Tổng Thư ký Guterres đã nêu ra một số sáng kiến khí hậu ​​do LHQ lãnh đạo mà ông muốn thế giới thực hiện. Thứ nhất, ông muốn các nước tiếp tục ký thêm một hiệp ước về đoàn kết khí hậu. Giống như Thỏa thuận Paris 2015, nội dung của hiệp ước này sẽ bao gồm điều khoản yêu cầu các nước phát thải lớn nỗ lực hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải và giúp các nước nghèo hơn đạt mục tiêu khí hậu. Việc thất bại trong việc đạt mục tiêu này, ông cho rằng sẽ là hồi kết cho cả thế giới.

ảnh p16 22-9.jpg
Lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu Liên hợp quốc ngày 20-9 tại TP New York, Mỹ. Ảnh: EPA

Thứ hai, LHQ muốn xây dựng một chương trình tăng tốc, để thúc đẩy các chính phủ phải “tiến nhanh hơn về phía trước” và giúp càng nhiều nước phát triển đạt mức phát thải ròng bằng trước năm 2040 càng tốt, càng nhiều nước đang phát triển đạt mục tiêu trước năm 2050 càng tốt. “Điều quan trọng là phải đảm bảo sự chia sẻ công bằng về trách nhiệm giữa các quốc gia. Các nước nghèo có quyền tức giận khi họ phải gánh chịu hậu quả khí hậu từ các nước giàu hơn” - ông Guterres nói.

Thứ ba, ông đề xuất thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm với quy mô toàn cầu cho tất cả mọi người. Ông khẳng định mọi người trên Trái đất phải được bảo vệ bởi hệ thống cảnh báo sớm vào năm 2027, theo kế hoạch được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái. Vào thời điểm đó, LHQ lưu ý rằng khoảng một nửa thế giới thiếu hệ thống cảnh báo sớm đa mối nguy hiểm và các quốc gia có hệ thống cảnh báo sớm hạn chế có tỉ lệ dân số tử vong do thảm họa cao gấp tám lần so với các quốc gia có phạm vi cảnh báo cao hơn.

Những lãnh đạo phát biểu nói gì?

Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng quốc đảo Barbados - bà Mia Mottley, người đã nhiều lần kêu gọi xóa nợ cho các nước có thu nhập thấp, cho biết: “Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể xem xét nghiêm túc cuộc khủng hoảng khí hậu và nguồn tài chính cho nó và có những biện pháp cụ thể để giúp những nước nghèo có thể tự trang trải kế hoạch khí hậu của họ”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng các nước phát triển cần đạt được mục tiêu chưa đạt được từ lâu là huy động 100 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển. Bà cho biết EU sẽ gửi 27 tỉ USD như đã làm vào năm ngoái.

Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal, đại diện cho khối các nước kém phát triển nhất toàn cầu, kêu gọi tăng gấp đôi nguồn tài chính để thích ứng với một thế giới bị biến đổi khí hậu, vì năm nay đang trên đà trở thành năm nóng kỷ lục.

Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cũng kêu gọi các nước sớm chấm dứt các chính sách trợ giá nhiên liệu hóa thạch. Bà cho biết các chính sách như vậy trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 7.000 tỉ USD vào năm ngoái bất chấp các nước đã cam kết hồi năm 2021 sẽ ngưng.

Đại diện Quỹ Khí hậu xanh của LHQ cũng công bố mục tiêu huy động vốn ít nhất 50 tỉ USD vào năm 2030. Quỹ này dự kiến cũng sẽ chuyển trọng tâm từ hỗ trợ các dự án một lần sang chuyển đổi toàn bộ hệ thống cấp quốc gia.•

Thủ tướng Việt Nam phát biểu tại hội nghị khí hậu

Theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.

“Sự nổi giận của thiên nhiên với các sự cố, như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng chính là lời cảnh báo, kêu gọi chúng ta cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái đất” - Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng chia sẻ Việt Nam là một trong 30 nước nộp bản đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Việt Nam đang cùng các đối tác quốc tế xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để công bố tại COP28 với mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu.

Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm