Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để ứng phó với BĐKH, thời gian qua TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Giảm phát thải khí nhà kính
Theo báo cáo của Sở TN&MT, trong năm 2021-2023, TP.HCM có nhiều chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH.
Theo đó, TP đã triển khai các chương trình hợp tác về BĐKH với các đối tác như tổ chức C40, TP Osaka, Ngân hàng châu Á; đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác mới nhằm trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Cụ thể, TP đã phối hợp với Cục Môi trường Osaka tổ chức đối thoại chính sách và triển khai các dự án JCM (dự án theo cơ chế giảm phát thải carbon được đề xuất bởi Nhật Bản), nhằm thực hiện chương trình phát triển TP thải carbon thấp cấp kỹ thuật. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan ở TP.HCM còn phối hợp với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới triển khai hoạt động của nhóm kỹ thuật phát thải carbon thấp.
Ngoài ra, TP đã ký thỏa thuận hợp tác cùng National Park - Ủy ban Quản lý nhà nước lĩnh vực công viên cây xanh tại Singapore trong việc đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công viên cây xanh (quy hoạch, quản lý, chăm sóc công viên cây xanh...) và cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành để nghiên cứu áp dụng.
Mới đây, Sở TN&MT TP đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch hành động cho TP.HCM hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ thông tin liên quan đến dự án năng lượng phát tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM.
Sở TN&MT đã thống nhất phối hợp với Sở Công Thương và đơn vị tư vấn triển khai các hoạt động như hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng 0 của TP; nghiên cứu các biện pháp xây dựng môi trường nước hiệu quả trong các cơ sở công lập tại TP; hỗ trợ các đơn vị phát thải khí nhà kính lớn tại TP.HCM, nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính hằng năm.
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguồn thải ô nhiễm môi trường, lượng khí thải tạo hiệu ứng nhà kính gây nên BĐKH.
Vì vậy, trong thời gian qua, TP.HCM đã triển khai đầu tư xây dựng mới hệ thống các bến bãi phục vụ xe buýt tạo điều kiện cho mạng lưới xe buýt được hoạt động thuận lợi, thu hút người dân tham gia sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Từ đó hạn chế đi lại bằng xe cá nhân.
Cụ thể TP.HCM đang tổ chức triển khai thực hiện đầu tư các công trình như xây dựng điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè; xây dựng bến xe buýt Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh; bến xe buýt Hóc Môn, bến xe buýt Củ Chi...
Ngoài ra, TP còn thực hiện dịch vụ thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn quận 1. Đến nay hoạt động này đã nhận được sự quan tâm của người dân, đạt hiệu quả truyền thông về trải nghiệm, chất lượng dịch vụ.
Cạnh đó, TP còn thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị và đang tập trung nguồn lực để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại. Cụ thể, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã được phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết quý IV-2023 và kết thúc dự án từ năm 2024 đến 2028. Đến nay tuyến đường sắt đô thị số 1 đã tiến hành chạy thử đoạn trên cao từ ga bến xe Suối Tiên đến ga An Phú. Dự án đang phấn đấu hoàn tất công tác thi công, vận hành chạy thử toàn tuyến vào cuối năm 2023.
Song song đó, dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đã hoàn thành công tác thi công gói thầu CP1 xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương; triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (tỉ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 86,35%), khởi công một số hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật trong quý II-2023.•
Bổ sung diện tích rừng cho TP.HCM
Theo Sở TN&MT TP, hiện nay TP đang tiếp tục công tác phát triển các hệ sinh thái rừng hiện có (tại các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi). Đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Các chỉ tiêu về công tác phát triển rừng theo kế hoạch được duyệt bao gồm trồng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng tại các khu rừng phòng hộ hiện đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục theo quy định để triển khai thực hiện.
Đồng thời, TP.HCM cũng chủ động thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô, trong năm 2023 không để xảy ra các vụ cháy rừng và cây trồng phân tán.