Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển

“Nếu so sánh với một số nước trong khu vực thì giá trị hoạt động kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, bằng 14% so với Hàn Quốc và chỉ bằng 1% của Nhật Bản”. Đó là những con số đáng chú ý được TS Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), đưa ra tại Diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam trong hội nhập quốc tế do Bộ TN&MT tổ chức ngày 6-6 tại TP biển Hải Phòng.

Kinh tế biển sẽ góp hơn 50% GDP

Về hợp tác quốc tế ở vùng biển Việt Nam, theo TS Linh, chúng ta còn nhiều trở ngại. Thứ nhất, chúng ta còn hạn chế về nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và ngoại ngữ, để đáp ứng được yêu cầu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác biển. Mặt khác,vì vấn đề chủ quyền trên biển đang còn tồn tại một số vấn đề giữa Việt Nam với một số nước, trong đó có Trung Quốc, nên không ít quốc gia quan ngại về việc hợp tác trên biển Đông với Việt Nam.

Kinh tế phải mạnh lên ta mới hiện đại hóa các phương tiện, công cụ đánh bắt để ngư dân vươn ra khơi xa làm ăn và khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước. Ảnh: LÊ LÂM

Để đạt được mực tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53%-55% tổng GDP cả nước, theo TS Linh, muốn thế Việt Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh vùng biển Việt Nam, để tận dụng hết mức các quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước. Từ đó, nhằm khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên biển hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khắc phục những tồn tại trong mối quan hệ hợp tác với các nước bằng cách áp dụng những mô hình hợp tác thành công đang có với Malaysia, Philippines để giải quyết các vấn đề còn tồn tại với các nước khác.

“Chúng ta cần phát triển thương hiệu biển từ cái ta có tiềm năng, lợi thế như hải sản, du lịch, cảng biển, hàng hải. Chúng ta luôn đặt biển vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, mục tiêu là sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển trong khu vực, gắn liền với bảo vệ quốc phòng, an ninh” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.

Kinh tế mạnh mới có tàu lớn vươn khơi

Trao đổi bên lề với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Hiển cho biết: “Tất cả các nước muốn bảo vệ được chủ quyền một cách vững chắc thì mình phải mạnh đã. Muốn mạnh thì phải phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế là vấn đề then chốt gắn với bảo vệ chủ quyền”.

Theo ông Hiền, nói đến việc phát triển kinh tế biển là người dân phải ra biển, phải bám biển, phải có mặt ở biển, phải có sự hiện diện ở trên biển. Việc hiện diện, có mặt của người dân ở trên biển cũng chính là góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình. Đồng thời cần tuyên truyền cho người dân hiểu đầy đủ về biển, nâng cao nhận thức về biển để khai thác làm sao cho có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển.

Ví dụ, khi chúng ta nói cần phát triển đánh bắt xa bờ thì chúng ta phải xem ngư trường của chúng ta nằm ở đâu, có loại hải sản gì, trữ lượng đến đâu, để ta có công cụ, phương tiện đánh bắt cho thích hợp. Những điều này mình ngư dân không thể làm được, mà cần phải có cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ TN&MT hỗ trợ đưa ra định hướng khai thác tiềm năng đó sao cho có hiệu quả.

“Khi kinh tế của ta chưa mạnh thì ta đóng tàu bé, khai thác gần bờ là chính. Khi kinh tế phát triển, ta mới hiện đại hóa các phương tiện, công cụ để chúng ta vươn khơi xa đánh bắt. Vừa rồi, Chính phủ có chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản, đồng thời gắn với việc bảo vệ chủ quyền của ta trên biển. Cùng với đó là chính sách thu mua, chế biến, dịch vụ hậu cần cho nghề cá…” - ông Hiển nói.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm