Việt Nam phản đối việc lập quận đảo trái phép của Trung Quốc

Ngày 19-4, trước sự việc Trung Quốc (TQ) ngày 18-4 thông báo thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại "thành phố Tam Sa", người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu:

Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. 

"Lập trường nhất quán của Việt Nam là mạnh mẽ phản đối cái gọi là "thành phố Tâm Sa" và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam" - bà Hằng phát biểu, đồng thời khẳng định các hành vi của TQ như trên "không có giá trị và không được công nhận; không có lợi ích cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình biển Đông, khu vực và thế giới". 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhắc lại: Việt Nam yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không tái diễn những hoạt động tương tự trong tương lai.

Phát ngôn của bà Hằng một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối hành vi phạm pháp của Trung Quốc. Cụ thể, ngày 18-4, Đài Truyền hình TQ - CGTN đưa tin Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam theo luật pháp quốc tế).

Quận Tây Sa, có trụ sở chính quyền quận đặt ở đảo Phú Lâm, sẽ quản lý khu vực Tây Sa và Trung Sa (cách TQ gọi tên bãi cạn Scarbourough và bãi ngầm Macclesfield gần đảo Luzon của Philippines). Trong khi đó, quận Nam Sa có trụ sở tại đá Chữ Thập của Việt Nam, sẽ quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh.

Cùng ngày 18-4, liên quan đến hành xử của TQ ở biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Mỹ bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của TQ đối với hoạt động khai thác dầu và khí đốt của các bên khác (ở biển Đông). TQ nên chấm dứt hành vi bắt nạt và loạt hoạt động khiêu khích, gây bất ổn này".

Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, các hành động của TQ đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Thông báo này xuất hiện chưa lâu sau khi Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều nghị sĩ Mỹ chỉ trích TQ về việc để tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Giới quan sát nhận định TQ đang lợi dụng thế giới đang bận rộn chống dịch để lấn tới ở biển Đông. Mặc dù có thay đổi về chiến thuật, nhưng ý đồ độc chiếm biển Đông mà TQ đang thực hiện vẫn không đổi.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), một chuyên gia nghiên cứu về TQ và biển Đông nhiều năm, nhận định: Từ khi Tổng bí thư TQ Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012, TQ đã theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh bạo hơn ở khu vực biển Đông và dần dần ít quan tâm tới chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, GS Ngô Vĩnh Long - chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Maine (Mỹ) cho rằng: "TQ đang cố tình thách thức các quốc gia có lợi ích ở biển Đông. sự kiện TQ lập ra hai huyện đảo trái phép ở biển Đông lần này đã nằm trong một chuỗi sự kiện mà Bắc Kinh đã tính toán từ trước. Ý đồ của chính phủ TQ khi cho CGTN thông báo tin trên là muốn khẳng định sự kiểm soát và chủ quyền trên toàn khu vực mà họ đã khoanh vùng (còn được gọi là đường chín đoạn hay “đường lưỡi bò”) ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới