Việt-Nhật 50 năm: Du học sinh tự hào là cầu nối văn hóa hai nước

(PLO)- Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật, các du học sinh Việt Nam tại Nhật có những chia sẻ và kỳ vọng về quan hệ 2 nước.

Hoàng Thái tử Nhật Akishino và Công nương Kiko đang có chuyến thăm chính thức theo lời mời của Nhà nước Việt Nam từ ngày 20 đến 25-9 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật (1973-2023).

Nhân dịp ý nghĩa này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với một số du học sinh Việt Nam tại Nhật về cảm nghĩ của các bạn đối với tình hữu nghị Việt-Nhật cũng như những chia sẻ của các bạn với tư cách là "sứ giả văn hoá” giúp kết nối hai quốc gia gần gũi hơn nữa.

3G6A3371.jpg
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chụp ảnh chung với Hoàng Thái tử Nhật Akishino và Công nương Kiko hôm 21-9. Ảnh: VPCTN

Tự hào và kỳ vọng về quan hệ hữu nghị Việt-Nhật

Chia sẻ cảm nghĩ về cột mốc quan trọng của quan hệ Việt Nam và Nhật, các du học sinh đều không khỏi tự hào, đồng thời hy vọng quan hệ hai nước sẽ phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai.

Du học sinh Nguyễn Hoàng Long cho rằng Việt Nam và Nhật có mối quan hệ truyền thống gắn bó dài lâu và năm nay là dịp để chính phủ và nhân dân hai nước cùng ôn lại kỷ niệm 50 năm qua cũng như hướng tới tương lai, xây dựng một mối quan hệ bền chặt, hợp tác sâu rộng hơn nữa trên tất cả các phương diện. Du học sinh Hoàng Long là nghiên cứu sinh năm thứ nhất ngành châu Á-Thái Bình Dương học tại ĐH Waseda theo diện Học bổng chính phủ Nhật (MEXT).

“Là một người Việt đang học tập và sinh sống tại Nhật, mình thấy rất vui và tận hưởng không khí thắm tình hữu nghị này, mình hy vọng mối quan hệ giữa Việt-Nhật sẽ ngày một bền chặt, nâng tầm quan hệ chiến lược, từ đó có những chính sách tạo điều kiện hơn nữa dành cho công dân, doanh nghiệp hai nước trong trao đổi, học tập, làm việc, giao thương…” - du học sinh Hoàng Long chia sẻ.

241336746_4581429698574950_50783.jpg
Du học sinh Nguyễn Hoàng Long (trái) bắt tay với Thủ tướng Fumio Kishida khi ấy là Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào năm 2018. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Trong khi đó, du học sinh Phạm Minh Khang tại ĐH Waseda theo diện MEXT, nhận xét rằng năm nay thực sự rất đặc biệt đối với quan hệ song phương Việt-Nhật. Hai quốc gia đã cùng nhau hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, văn hóa, và giáo dục.

“Là một người con của đất nước Việt Nam hiện đang du học tại Nhật thông qua MEXT, mình trực tiếp cảm nhận rõ tầm quan trọng của mối quan hệ này. Đây không chỉ là cơ hội học tập cho sinh viên Việt Nam mà còn là biểu tượng cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa hai quốc gia khi mà mình không chỉ học hỏi kiến thức chuyên môn mà còn trải nghiệm và tiếp xúc với văn hóa Nhật” - du học sinh Minh Khang chia sẻ.

Du học sinh Minh Khang kỳ vọng rằng dấu mốc 50 năm là cơ hội để cả hai quốc gia nâng cao mối quan hệ này lên một tầm cao mới và định hình tương lai hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

“Sứ giả văn hoá” giữa hai nước

Nhiều người thường bảo rằng mỗi du học sinh Việt Nam là “một sứ giả văn hóa” góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam sang nước bạn. Về khía cạnh này, các bạn du học sinh tại Nhật đều cảm thấy rất vinh dự khi làm cầu nối cho văn hóa Việt-Nhật.

Du học sinh Hoàng Long cho biết việc quảng bá văn hóa Việt Nam tới với bạn bè quốc tế không hẳn là “trách nhiệm vô hình” mà còn là niềm vinh dự.

Bạn Hoàng Long chia sẻ rằng bạn mang rất nhiều các sản vật Việt Nam như trà, cà phê, bánh đậu xanh, bánh cáy, muối chấm Hảo Hảo, thậm chí là cả phin cà phê lẫn bộ ấm trà sang Nhật và giới thiệu cho các bạn quốc tế trải nghiệm trực tiếp văn hóa cà phê, trà của Việt Nam. Ngoài ra thì bạn cũng mang theo áo ngũ thân truyền thống để mặc trong các dịp lễ hội để quảng bá hình ảnh tà áo dài Việt Nam.

“Những người bạn nước ngoài ở Nhật rất hứng thú trong việc trải nghiệm văn hóa Việt Nam, một số bạn ngỏ ý muốn học thêm một chút tiếng Việt để nếu có cơ hội sẽ sử dụng khi tới thăm Việt Nam” - du học sinh Hoàng Long trao đổi.

File_000.png
Du học sinh Phạm Minh Khang. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Du học sinh Minh Khang cho biết khi có cơ hội tham gia các sự kiện mang tính quốc tế, bạn hay tặng những tấm bưu thiếp (postcard) liên quan văn hóa Việt Nam đến những người bạn quốc tế. Ngoài ra, bạn Minh Khang cũng chia sẻ các món ngon trong ẩm thực Việt Nam đến các bạn ngoại quốc.

“Có bạn còn nói đùa rằng dù chưa đến Việt Nam nhưng với tấm bưu thiếp mình tặng, bạn ấy có thể ‘tạm’ được xem là đã đến Việt Nam. Những hoạt động như vậy giúp mình chia sẻ thêm về văn hóa Việt Nam, đồng thời có thêm những người bạn mới” - du học sinh Minh Khang chia sẻ.

Theo du học sinh Minh Khang, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam rất được các bạn ngoại quốc, đặc biệt là các bạn Nhật, yêu thích và quan tâm học hỏi. Do đó, bạn Minh Khang thường chia sẻ kiến thức về tiếng Việt và giúp các bạn ngoại quốc học cách nói và viết bằng tiếng Việt, đồng thời chia sẻ thêm những điều thú vị xoay quanh văn hóa Việt Nam.

Trong khi đó, là thành viên của Hội sinh viên ASEAN du học Nhật, du học sinh Nguyễn Viết Dự, nghiên cứu sinh năm thứ hai tại ĐH Waseda, cho biết các hoạt động Hội thường có mục đích làm cầu nối ASEAN-Nhật, bao gồm quảng bá văn hóa Việt Nam, về lịch sử, ẩm thực, ngôn ngữ. Trong đó, ẩm thực được các bạn Nhật quan tâm nhất.

Thích thú vì hàng "made in Việt Nam” phổ biến ở Nhật

Các du học sinh đều cảm thấy thích thú và may mắn khi các sản phẩm Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Nhật.

Du học sinh Hoàng Long cho biết quanh khu vực anh sống và học tập ở thủ đô Tokyo có rất nhiều cửa hàng phục vụ món ăn Việt Nam cũng như bán các sản phẩm “made in Việt Nam” và anh thấy rất may mắn về điều đó

“Tuy giá cả nếu so với ở Việt Nam thì có phần cao hơn chút nhưng nếu tính tới công sức mà chủ tiệm đã bỏ ra để có thể mang tới trải nghiệm rất Việt Nam nơi xứ người thì mình thấy số tiền bỏ ra là xứng đáng” - bạn Hoàng Long cho hay.

8-quocte2-5414.jpg.jpg
Các đại biểu tham dự Lễ hội Việt Nam 2023 tại Tokyo (Nhật) hồi tháng 6. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM

Theo du học sinh Minh Khang, các sản phẩm Việt Nam như trái cây, cà phê và nhiều sản phẩm thực phẩm khác hiện không quá khó tìm, thậm chí còn có thể đặt mua trực tuyến. Bên cạnh đó, anh cho biết ngay tại trường nơi anh đang theo học có một tiệm bánh mì Việt Nam do chính tay các anh chị người Việt Nam mở và buôn bán. Chính điều này làm anh cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết và rằng cộng đồng người Việt tại Nhật vô cùng phát triển.

“Nhìn chung, việc có sẵn các sản phẩm này tại Nhật giúp mình bớt đi cảm giác xa nhà, nhưng mình cảm thấy những sản phẩm này chưa được đa dạng, ví dụ như trái cây Việt Nam thường sẽ ở dạng đông lạnh và giá cả còn tương đối cao” - du học sinh Minh Khang chia sẻ.

Còn du học sinh Viết Dự cho biết ngoài các cửa hàng bán đồ nhập khẩu từ Việt Nam thì một số sản phẩm cũng đã có mặt trên một số hệ thống cửa hàng thực phẩm của Nhật, đặc biệt tại một số khu vực đông người Việt Nam sinh sống ở thủ đô Tokyo thì sẽ dễ dàng tìm thấy hàng Việt Nam.

Các du học sinh nói gì về nước Nhật?

Du học sinh Nguyễn Hoàng Long nhận thấy Nhật là một quốc gia phát triển hàng đầu của châu Á và thế giới cũng như có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội với Việt Nam. Vì vậy việc chọn học tập và nghiên cứu tại Nhật là rất hợp lý đối với lĩnh vực nghiên cứu chính sách.

“Mình cũng khá hâm mộ văn hóa đại chúng của Nhật, đặc biệt là manga (truyện tranh), anime (phim hoạt hình). Những bộ truyện tranh như Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Ninja loạn thị… là cả tuổi thơ của mình, do đó mình cũng có một tình cảm rất đặc biệt đối với quê hương của những sản phẩm này” - anh Hoàng Long cho hay.

Mặc dù gặp những bỡ ngỡ, khó khăn về ngôn ngữ và rào cản văn hoá vào thời gian đầu khi sang Nhật nhưng du học sinh Phạm Minh Khang cho biết các anh chị học giả thuộc diện học bổng MEX cũng như các tổ chức hành chính tại Nhật cũng đã hỗ trợ các du học sinh rất nhiều.

“Việc lựa chọn Nhật là một điểm đến du học đến với mình rất tự nhiên. Nhật nổi tiếng với vai trò lãnh đạo trong giải quyết các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu, cộng với sự quan tâm của mình đối với chính sách, chính trị và quản lý biến đổi khí hậu đã khiến Nhật trở thành điểm đến lý tưởng cho học tập và nghiên cứu bậc cao hơn” - du học sinh Minh Khang cho hay.

Bên cạnh đó, du học sinh Minh Khang chia sẻ rằng việc học tập tại Tokyo đã cho phép bạn tham gia vào các sự kiện văn hóa nội địa và quốc tế tại đây như những buổi hòa nhạc cổ điển đẳng cấp và đặc biệt nhất là nghệ thuật biểu diễn truyền thống Kabuki.

“Những trải nghiệm này không chỉ làm giàu đời sống tinh thần mà còn giúp mình hiểu sâu hơn về nền văn hóa đa dạng của Nhật” - du học sinh Minh Khang nói.

Trong khi đó, du học sinh Viết Dự cũng đồng ý rằng có nhiều rào cản về ngôn ngữ và văn hóa khi du học Nhật nhưng hệ thống các thủ tục hành chính của Nhật cũng như một số tổ chức như Hội sinh viên ASEAN du học Nhật đã hỗ trợ du học sinh rất nhiều về tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa Nhật.

“Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật khá năng động và nhiệt tình trong việc cung cấp thông tin và tư vấn như Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Nhật (VYSA). Mình nghĩ đó là một nguồn thông tin bổ ích cho sinh viên Việt Nam tại Nhật” - du học sinh Viết Dự chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm