16 năm trước, lứa U-16 Việt Nam được đá sân nhà và có nhiều ưu ái, đó là chưa kể hồi đó chưa có sự gắt gao trong việc kiểm tra tuổi như bây giờ. Hơn nữa các đối thủ của U-16 Việt Nam hồi đó không nặng như U-19 Việt Nam bây giờ rơi vào nhóm 16 đội toàn “thứ dữ” trong khu vực.
Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã biến điều không thể thành có thể khi trước ngày lên đường dự vòng chung kết U-19 châu Á còn bị đánh giá là một trong những đội yếu nhất giải. Nhìn vào các đối thủ cùng bảng gồm Triều Tiên, UAE, Iraq quá lớn, ít ai nghĩ rằng U-19 Việt Nam sẽ vượt qua những ngọn núi đấy. Thậm chí họ còn bị so sánh với lứa U-19 hai năm trước của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG nổi đình nổi đám mà vẫn bị loại chóng vánh. Chính vì thế VFF không đặt chỉ tiêu gì cho các cầu thủ trẻ mà xác định chủ yếu là học hỏi. Còn HLV Hoàng Anh Tuấn thì cảm thấy đó là một cách giảm tải áp lực nhưng ông vẫn dặn học trò chơi vì danh dự và màu cờ sắc áo.
Gặp chủ nhà Bahrain, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn phải có phương án phòng thủ nhưng hạn chế va chạm trước và trong khu 16,5 m. Ảnh: CTV
Thế rồi các cầu thủ trẻ đã gây tiếng vang lớn tại vòng chung kết sau ba trận chưa thua, đặc biệt là bước ngoặt ở trận thắng á quân Triều Tiên 2-1.
Sau khi đoạt vé vào tứ kết, HLV Hoàng Anh Tuấn gọi đó là một kỳ tích của lịch sử bóng đá trẻ Việt Nam ở giải đấu cấp châu lục. Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, ông nói: “Điều đầu tiên tôi muốn nói lúc này là tôi cảm thấy tự hào về các học trò của mình. Chúng tôi đã viết lên một chương mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam”.
HLV Hoàng Anh Tuấn tiết lộ những toan tính trong tầm kiểm soát của ban huấn luyện: “Chúng tôi ra sân với mục tiêu là một trận hòa, vì kết quả này sẽ giúp U-19 Việt Nam cầm vé đi tiếp vào tứ kết. Tỉ số 0-0 trước một đối thủ vượt trội về kỹ thuật, chiến thuật và sức mạnh là điều quá tuyệt vời. Điều đó làm chúng tôi tự hào!”.
Trong khi đó, HLV Abbas Atiyah của đội U-19 Iraq cũng tỏ ra hài lòng với kết quả hòa với Việt Nam để giữ vững ngôi đầu bảng B: “Tôi muốn cảm ơn các cầu thủ vì trận đấu này. Do sớm giành vé nên chúng tôi ra sân với chín cầu thủ dự bị. Trong suốt hiệp 1 và cả hiệp 2, U-19 Iraq có nhiều cơ hội ăn bàn hơn. Đáng tiếc là các cầu thủ trẻ của tôi đã không thể tận dụng”.
Ông Abbas Atiyah bật mí thêm: “Nói thật, chúng tôi không có nhiều thời gian tập luyện trước vòng chung kết U-19 châu Á khi chỉ có 10 ngày tập trung. Dẫu sao tôi rất hài lòng về trận hòa này và về cái cách cầu thủ thi đấu để đạt mục tiêu đứng đầu bảng B”.
Gặp Bahrain, dễ mà khó! Tại tứ kết, U-19 Việt Nam (nhì bảng B) gặp nhất bảng A, tức chủ nhà Bahrain vào lúc 23 giờ 15 ngày 23-10. Xét cho cùng thì gặp chủ nhà nhưng với giới chuyên môn thì “dễ thở” hơn nếu gặp đội nhì bảng A là U-19 Saudi Arabia. Thậm chí là ngay cả đội đứng thứ ba bảng này đã bị loại là U-19 Hàn Quốc cũng “xương” hơn rất nhiều. Đá với chủ nhà, tất nhiên HLV Hoàng Anh Tuấn của U-19 Việt Nam phải biết cách chỉ ra để học trò tránh những va chạm hay truy cản cứng rắn trong và sát vùng cấm vì chắc chắn trọng tài sẽ ưu ái cho chủ nhà ở một mức độ nhất định. Vì thế những gì đã thực hiện trong trận hòa UAE 1-1 ở vòng bảng thì tuyệt đối phải tránh. Đối đầu với chủ nhà Bahrain cũng có nghĩa phải chống chọi cả đối thủ thứ 12 và 13 (khán giả nhà, trọng tài...). Vì thế mà công tác tâm lý để giải tỏa áp lực cho các cầu thủ trẻ rất quan trọng. Cầu thủ U-19 Việt Nam thường lấy tinh thần “máu lửa” để bù đắp thua thiệt về thể hình và sức mạnh nhưng nếu rắn quá hoặc quyết liệt quá với chủ nhà đều là bất lợi. Dễ mà khó cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là ở chỗ đó. TẤN PHƯỚC |