Theo đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và hãng hàng không, sự cạnh tranh trong hàng không sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hành khách, để hãng hàng không cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ yếu đi.
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp thức đẩy hàng không phát triển bền vững” vào chiều nay (ngày 11/4), theo ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways.
Ông Hảo cho rằng sự thay đổi này diễn ra rất rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.
Ông Hảo cũng thừa nhận, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá ngành Hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lý giải nguyên nhân việc tăng trưởng hàng không nhanh chóng đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, mức độ hội nhập rất sâu, đặc tính các phân khúc dân số Việt Nam.
“Cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh. Cuộc chơi các hãng hàng không và điều hành của Nhà nước số lượng không thể vô hạn như trong taxi hay viễn thông, có người vào thì có người ra, không cần nhiều quá nhưng luôn luôn có áp lực cạnh tranh và quản lý hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực đó,” ông Thành nhìn nhận.
Nhấn mạnh Nhà nước phải dẫn dắt, điều tiết thị trường hàng không, theo ông, sự hợp tác giữa các hãng hàng không với Nhà nước để có một cách mở cửa hàng không tốt nhất để tạo ra cách mở cửa bầu trời kết nối với thế giới.
Bổ sung thêm, theo ông Hảo, bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân như Bamboo Airways, SunGroup với Vân Đồn, mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho khách đi máy bay.
“Sự cạnh tranh lành mạnh trong hàng không tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng và uy tín của Quốc gia. Với hàng không, an toàn phải được đặt lên hàng đầu, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, không đáp ứng được vấn đề về an toàn, khó có thể tồn tại,” Phó Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định.
Ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways cho biết đặc điểm của hàng không là cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dùng, để hãng hàng không cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ yếu đi.
“Thị trường hàng không ở nước láng giềng như Thái Lan có tới 13 hãng hàng không, còn hiện Việt Nam mới chỉ có 4 hãng hàng không. Chỉ số phần trăm người dân Việt Nam bay không quá 50%, tức là không quá 50% người dân được trải nghiệm bay. Với sự ra đời của VietJet hay Bamboo, hy vọng sẽ thêm nhiều người dân có cơ hội được bay và đặt chân lên máy bay,” ông Thắng chia sẻ.
Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc dự án Công ty cổ phần hàng không Vietjet Air cho rằng, thay vì nói câu chuyện cạnh tranh và các đối thủ chiến đấu với nhau, từ khi Vietjet ra đời đến nay có thêm Bamboo Airways, hãng chưa bao giờ nghĩ sẽ có cạnh tranh trực tiếp mà phải làm thật tốt công việc, dịch vụ của mình và có sáng tạo.
“Chúng ta phải nghĩ đến chuyện cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài khi mở cửa bầu trời, chứ không phải các hãng hàng không trong nước ‘chiến đấu’ với nhau. Cho đến nay, các hãng vẫn kiên trì đường lối ấy, thấm nhuần tư tưởng ấy,” ông Tùng thành thật.