Theo đó, tổng số chuyến bay khai thác của bốn hãng hàng không trong năm 2018 là 296.516 chuyến bay. Trong đó có 40.442 chuyến chậm giờ và hủy. Tỉ lệ chuyến bay chậm, hủy chuyến lần lượt là 13,4% và 0,3%.
Bộ GTVT đang yêu cầu xử mạnh tay với các chuyến bay chậm, hủy chuyến. Ảnh: VIẾT LONG
Đáng chú ý, theo thống kê, hãng hàng không Jetstar Pacific chậm giờ bay với số lượng lớn là 6.636/35.833 chuyến bay thực hiện, chiếm 18,5% chuyến bay của hãng; VietJet Air chậm giờ bay 18.746/118.923 chuyến bay thực hiện, chiếm 15,8% tổng số chuyến bay của hãng. Tiếp đến, Vietnam Airlines là 13.709/128/236, chiếm 10,8% số chuyến bay của hãng, cuối cùng là Vasco chỉ có 460/13.524 chuyến chậm, chiếm 3,4% chuyến bay của hãng.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các chuyến bay không đúng giờ, hủy chuyến là do máy bay về muộn, một phần do yếu tố kỹ thuật. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khác như: dịch vụ chăm sóc khách hàng tại cảng, quản lý và điều hành bay, thời tiết...
Liên quan đến tình trạng chậm, hủy chuyến, Bộ GTVT vừa có văn bản về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội xuân 2019.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, chậm, hủy chuyến.
Đồng thời, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay, điều hành lịch bay. Hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết dương lịch và Tết nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.