Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh như vậy tại buổi họp giao ban của đơn vị, ngày 28-11.
Người đứng đầu Bộ GTVT cho rằng đối với các hãng chậm, hủy chuyến bay cần phải xử phạt nặng để đảm bảo tính răn đe, tránh tình trạng hàng triệu hành khách bị chậm chuyến.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các hãng hàng không để sắp xếp, điều tiết các chuyến bay đi, đến sân bay Cần Thơ, Cam Ranh nhằm giảm lượng hành khách đổ về làm ùn tắc giao thông ở TP.HCM và áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất.
Bộ Trưởng Bộ GTVT yêu cầu ngành hàng không phải có giải pháp khắc phục chậm chuyến/hủy chuyến. Ảnh: VIẾT LONG
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành GTVT cũng yêu cầu dịp Tết, các lĩnh vực vận tải khác phải có kế hoạch tăng chuyến, dự phòng phương tiện và triển khai phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, không để bất cứ hành khách nào bị lỡ kỳ nghỉ do thiếu tàu xe.
Riêng trong lĩnh vực đường bộ, ông Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam ứng dụng công nghệ hiện đại tạo thuận lợi trong việc mua, bán vé xe; kiểm soát giá vé, đồng thời đánh giá về việc cứ vào dịp Tết các hãng xe phía Nam lại tăng giá vận tải ô tô để bảo vệ quyền lợi hành khách.
“Ở miền Bắc vào dịp Tết thường không tăng giá vé xe khách nhưng trong miền Nam lại tăng đến 30%-40% chiều rỗng. Phải xem xét việc tăng này có chính đáng hay không, có gây thiệt thòi cho hành khách hay không?” - Bộ trưởng nêu vấn đề.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết từ nay đến Tết nguyên đán sẽ đưa thêm 32 máy bay, nâng từ 158 tàu bay lên hơn 180 máy bay để phục vụ nhân dân đi lại (tăng thêm 20%).
Các hãng hàng không đã đăng ký tăng chuyến, dự kiến sẽ tăng thêm 5.800 chuyến. Trong đó, Vietnam Arlines tăng 2.000 chuyến, VietJet là 3.500 chuyến, còn lại là các hãng khác. Cùng với tăng chuyến sẽ tăng thêm trên 1,1 triệu ghế trong dịp cao điểm.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến trong dịp Tết sẽ thêm một hãng hàng không mới là Bamboo Airway với ba máy bay được đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố số liệu chậm, hủy chuyến trong tháng 11 của bốn hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và Vasco. Theo thống kê, hãng hàng không VietJet Air chậm giờ bay 1.203/9.311 chuyến bay thực hiện, chiếm 12,9% tổng số chuyến bay của hãng. Xếp thứ hai là hãng hàng không Vietnam Airlines, khai thác 9.753 chuyến nhưng số chuyến chậm lên tới trên 780 chuyến, chiếm 8,0% số chuyến bay của hãng, tiếp đến là Jetstar Pacific, khai thác 2.748 chuyến nhưng số chậm chuyến là 242, chiếm 8,8% của hãng. |