Trong ngành sữa, hiện nay Vinamilk chiếm 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột và với 212.000 điểm bán lẻ, 575 cửa hàng phân phối trực tiếp. Sản phẩm của Vinamilk cũng có mặt ở gần 1.500 siêu thị lớn nhỏ và gần 600 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Đến nay, Vinamilk đã được xuất khẩu đi 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc...
Tầm nhìn một thương hiệu
Có thể nói, ở Vinamilk, tinh thần “vươn lên” luôn luôn được ban giám đốc truyền cảm hứng cho toàn đội ngũ và trở thành phương châm để Vinamilk không ngừng đổi mới, sáng tạo. Đây là lý do khiến Vinamilk luôn luôn đi kịp cùng nhu cầu thị trường và ngày càng có nhiều sản phẩm mới. Đỉnh điểm đánh dấu sự tăng trưởng mạnh vượt bậc của Vinamilk được xác định vào 2013 khi Vinamilk quyết định đầu tư vào hai siêu nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng tại Bình Dương. Nhà máy sản xuất sữa nước rộng hơn 20 ha tại Bình Dương, công suất 800 triệu lít sữa mỗi năm. Còn nhà máy sữa bột có công suất 54.000 tấn mỗi năm, ngay khi vận hành trong tháng 4-2013 đã giúp Vinamilk đạt doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Hiện tại, riêng Vinamilk đã chiếm khoảng 40% thị phần sữa bột.
Những sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk đang ngày càng chiếm lĩnh vị trí cao trong tâm trí người tiêu dùng Việt
Tầm nhìn xuất sắc của Vinamilk còn thể hiện ở chỗ không chỉ nhìn thị trường sữa gói gọn trong nước mà đặt mục tiêu và khát vọng cao hơn. Đó là phải vươn tầm thế giới. Tính đến nay Vinamilk đã 13 nhà máy tại Việt Nam và ba nhà máy tại Mỹ, New Zealand và Campuchia. Vinamilk còn có 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand.
Vươn tầm quốc tế
Sự thành công của Vinamilk gắn liền với vai trò của dàn lãnh đạo, đặc biệt là “bông hồng thép” Mai Kiều Liên. Nữ thuyền trưởng này đã chứng minh những quyết định của bà luôn mang về lợi ích tốt đẹp cho công ty.
Sự thành công của Vinamilk gắn liền với “bông hồng thép” CEO Mai Kiều Liên. Nữ thuyền trưởng này đã chứng minh những quyết định của bà luôn mang về lợi ích tốt đẹp cho công ty
Năm 2012 khi làn sóng M&A (mua bán, sáp nhập thương hiệu) đổ bộ vào Việt Nam thì cũng là lúc Vinamilk nhận ra phải có chiến lược toàn cầu hóa đúng đắn cho thương hiệu của mình. Nhờ có một ê kíp đam mê, học hỏi không ngừng và được trui rèn qua thực tế thị trường, Vinamilk được các nhà đầu tư tin tưởng và không ngừng ủng hộ những quyết sách của mình. Những chiến lược phát triển trong nước cũng như sự dũng cảm và quyết đoán của CEO Mai Kiều Liên được chứng minh trong chiến lược toàn cầu hóa của thương hiệu này.
Không chỉ đầu tư trong nước, Vinamilk còn mạnh tay “mang chuông đi đánh xứ người”. Sở hữu 100% cổ phần Driftwood hồi tháng 5-2015, mỗi năm Vinamilk có thêm vài ngàn tỷ đồng doanh thu từ công ty đặt tại Mỹ này. Trước đó, năm 2012, Vinamilk góp vốn vào nhà máy Miraka tại New Zealand, đã mang về hơn hai triệu NZD cho Vinamilk. Công ty cũng tiên phong xây dựng nhà máy sữa đầu tiên tại Campuchia, khi tháng 5-2016 Vinamilk đã khánh thành nhà máy Angkor Milk 23 triệu USD tại đây.
Nhìn lại 40 năm, có thể thấy Vinamilk lớn mạnh nhờ có một tầm nhìn xuyên suốt và kiên trì bám sát thị trường. Chính bản thân ban lãnh đạo và đội ngũ của Vinamilk đã là một nguồn tài sản quý giá mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Cơ chế quản trị khoa học, sự minh bạch của hệ thống cùng với kinh nghiệm và phong cách lãnh đạo ở Vinamilk… là nền tảng chắc chắn để những nhà đầu tư trong ngoài nước tin tưởng, yên tâm giao phó sứ mệnh chèo lái con tàu Vinamilk vượt những hải trình xa xôi.