Vinh danh những 'Người thầy thuốc trong tôi'

(PLO)- Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi” được Báo Người Lao Động phát động và tổ chức từ ngày 16-8-2021, giữa những ngày cao điểm bùng phát dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-5, Báo Người Lao Động đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”, đồng thời giao lưu và tôn vinh các nhân vật hay thân nhân của nhân vật tiêu biểu trong các bài viết.

Cuộc thi được Báo Người Lao Động phát động và tổ chức từ ngày 16-8-2021, giữa những ngày cao điểm bùng phát dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Từ hơn 100 bài dự thi, Ban tổ chức đã chọn đăng hơn 30 bài gương sáng là cá nhân/tập thể và trao 10 giải xứng đáng.

Các tác giả đạt giải khuyến khích cuộc thi viết "Người thầy thuốc trong tôi" do Báo Người Lao Động tổ chức. Ảnh: HL

Các tác giả đạt giải khuyến khích cuộc thi viết "Người thầy thuốc trong tôi" do Báo Người Lao Động tổ chức. Ảnh: HL

Chia sẻ tại buổi lễ, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động cho biết đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây ra nhiều đau thương, mất mát về người về của.

“Mức độ tàn khốc của đại dịch và hậu quả hết sức nặng nề của nó đối với cả nước và với TP.HCM như thế nào, tất cả chúng ta ngồi ở đây đều đã biết, và có lẽ chẳng ai muốn nhắc lại vì quá đau buồn. Nhưng có một điều không thể quên và không ai được phép lãng quên, đó là công lao của các lực lượng xông pha lên tuyến đầu chống dịch.

Trong số đó, ngành y là mũi nhọn tiên phong. Đội ngũ những người thầy thuốc đã có mặt ở những điểm nóng nhất nơi tiền phương, những nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng ranh giới mong manh như sợi chỉ. Cuộc chiến nào cũng có mất mát đau thương, và trong cuộc đương đầu với kẻ thù COVID-19 cũng vậy, không ít “chiến binh blouse trắng” đã nằm lại trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, đồng nghiệp và cộng đồng

Vì lẽ đó, những người thầy thuốc của chúng ta rất xứng đáng được tôn vinh, bằng nhiều cách, trong đó báo chí có thể tôn vinh theo cách của riêng mình” - nhà báo Đình Tuân nói về ý nghĩa cuộc thi.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ: “Hình ảnh cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ đã được mọi người ghi nhận, tôn vinh. Trong bối cảnh đó, cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” của Báo Người Lao Động ra đời càng có ý nghĩa lớn lao trong việc động viên, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ đang công tác trong ngành y.

Qua cuộc thi, nhiều gương sáng cá nhân, tập thể ở TP.HCM và các tỉnh, thành bạn lần lượt được giới thiệu trên báo và lan tỏa trong đông đảo công chúng cả nước. Họ không chỉ là những người trực tiếp “ra trận” mà còn là những nhân tố xuất sắc ở hậu tuyến, là những thầy thuốc bình dân ở khắp nơi, lặng lẽ cứu người, vì sức khỏe, tính mạng và sự bình an của người khác” - TS Vĩnh Châu nhấn mạnh.

Tiền thưởng cho các tác giả đoạt giải: Giải đặc biệt 50 triệu đồng; giải nhất 30 triệu đồng; giải nhì 20 triệu đồng; giải ba 10 triệu đồng/giải; giải khuyến khích 5 triệu đồng/giải.

Giải đặc biệt đã thuộc về tác giả Hoài Thương (Dương Thị Thương) với tác phẩm “Trọn vẹn một chữ Tâm” kể về nghị lực kiên cường của BS Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên trưởng trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè không may mắc COVID-19 khi tham gia chống dịch và qua đời.

Tác giả đạt giải đặc biệt Dương Thị Thương giao lưu tại chương trình. Ảnh: HL

Tác giả đạt giải đặc biệt Dương Thị Thương giao lưu tại chương trình. Ảnh: HL

Giải nhất thuộc về tác giả Phương Lê (Nguyễn Thị Ngọc Trang) với tác phẩm “Những lá chắn thầm lặng”. Giải nhì thuộc về tác giả Phạm Đức Long với tác phẩm Nữ y tá trên đỉnh Kon Chiêng. Giải ba thuộc về tác giả Lê Thị Hiệp với tác phẩm “Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch” và Hoài Thương với tác phẩm “Nữ điều dưỡng quên mình giữa tâm dịch”.

Các tác giả đoạt giải Khuyến khích gồm Nghĩa Huỳnh (Huỳnh Hồ Đại Nghĩa) với tác phẩm Thầy thuốc trẻ xông pha nơi tuyến đầu; Doanh Chung (Đinh Công Doanh - Hoàng Thị Chung) với tác phẩm “Nơi đong đầy yêu thương”; Trần Trọng Trung với tác phẩm “Dù vất vả vẫn yêu nghề y”.

Xúc động nhận giải đặc biệt, tác giả Dương Thị Thương bày tỏ: “Tôi cảm thấy vinh dự vì những bài viết và nhân vật của mình được lựa chọn vào vòng chung khảo. Trong buổi lễ hôm nay, tôi xin từ chối nhận sự vinh danh về mình, tôi xin dành sự vinh danh này cho bác Nhẫn, chị Hằng (điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khi đang chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thì mắc bệnh và qua đời) - những nhân vật trong bài viết “Trọn vẹn một chữ Tâm”.

Bà Thân Ngọc Hương, vợ BS Trịnh Hữu Nhẫn chia sẻ chồng mất được 9 tháng 22 ngày và rất xúc động khi nhận được sự quan tâm, tri ân dành cho chồng. Ảnh: HL

Bà Thân Ngọc Hương, vợ BS Trịnh Hữu Nhẫn chia sẻ chồng mất được 9 tháng 22 ngày và rất xúc động khi nhận được sự quan tâm, tri ân dành cho chồng. Ảnh: HL

Tại Lễ trao giải, ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực đã tao tặng 20 triệu đồng từ Chương trình “Học bổng dành cho học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo” cho 2 con đang tuổi đi học của cố nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng. Ngoài ra, Báo Người Lao Động trao tặng gia đình cố BS Trịnh Hữu Nhẫn 10 triệu đồng.

Trước khi kết thúc lễ trao giải cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”, Báo Người Lao Động cũng phát động cuộc thi "Lòng tốt quanh ta" bắt đầu từ hôm nay và kết thúc trao giải vào tháng 5-6-2023. Cuộc thi này mở rộng ngoài lĩnh vực y tế còn có giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Tác giả ở mọi miền đất nước và những người Việt Nam ở nước ngoài đều có thể gửi bài tham gia cuộc thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm